Bảo tồn lễ hội truyền thống ở xứ Quảng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/12/2024 12:44 GMT+7

VTV.vn - Bảo tồn lễ hội dân gian của các dân tộc là một trong những giải pháp trọng tâm để bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Ở các buôn làng Tây Nguyên, trong giá lạnh của mùa đông khi mùa vụ đã kết thúc, dân làng thường tổ chức uống rượu cần, biểu diễn cồng chiêng bên nhà sàn. Trong khi đó, tại miền núi cao dọc dãy Trường Sơn, đồng bào nơi đây cũng đang tổ chức nhiều lễ hội lớn. Với những giá trị tốt đẹp của lễ hội, từ nhiều năm nay cộng đồng làng bản đã gìn giữ khá nguyên vẹn các lễ hội dân gian truyền thống, điển hình như câu chuyện bảo tồn lễ hội truyền thống của người dân vùng cao xứ Quảng.

Có thể thấy,  những lễ hội dân gian như Lễ cúng lúa mới, Lễ cúng máng nước là dịp để dân làng thể hiện tinh thần đoàn kết, bảo tồn các truyền thống của cộng đồng mình. Với ý nghĩa ấy, những năm qua tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nhiều mặt để khôi phục lại các lễ hội truyền thống đã mai một. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức lễ hội chung cho đồng bào dân tộc, cho 9 huyện miền núi giao lưu. Đây là cách bảo tồn văn hóa và phát huy những mặt tốt đẹp của lễ hội.

Với sự đầu tư đúng hướng và có cách làm phù hợp, văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi Quảng Nam đã được bảo tồn khá nguyên vẹn. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch. Đây được xem là cơ hội tốt để tỉnh này đánh thức những gia sản văn hóa độc đáo đang được lưu giữ ở mỗi ngôi làng. Cũng tại Quảng Nam, mô hình du lịch văn hóa cộng đồng đã bắt đầu phát triển và thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Bộ này sẽ phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch, Sở Văn hóa và thể thao các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, Kon Tum và các cơ quan đơn vị liên quan để tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương, khai thác xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho đồng bào, đồng thời phát triển du lịch của địa phương.

Mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục tập quán tín ngưỡng và lao động sản xuất. Bảo tồn lễ hội dân gian của các dân tộc là một trong những giải pháp trọng tâm để bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Bảo tồn văn hóa, trong đó có bảo tồn phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao gắn với phát triển du lịch được coi là hướng đi bền vững giúp các địa phương thực hiện hóa mục tiêu kép, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống của các dân tộc vừa thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Bảo tàng làng nghề xứ Quảng Bảo tàng làng nghề xứ Quảng

VTV.vn - Nhờ vào sự tích cực của chính quyền địa phương và tinh thần giữ lửa, đến nay làng gốm Thanh Hà, Hội An đã hồi sinh và là bảo tàng sống động của di sản văn hóa thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước