26 ngành, nghề nghệ thuật xếp vào nhóm ngành nghề độc hại, nguy hiểm

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/08/2023 13:25 GMT+7

VTV.vn - Việc xếp các ngành nghề nghệ thuật vào nhóm đặc thù độc hại, nguy hiểm được kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu khả quan cho mùa tuyển sinh ngành nghệ thuật biểu diễn năm nay.

Có thể thấy, các công việc thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn được xếp vào danh mục ngành, nghề học độc hại, nguy hiểm, đều là những ngành học đặc thù với những yêu cầu khắt khe từ tuyển chọn, đào tạo đến công việc biểu diễn sau khi ra trường. Việc được đưa vào nhóm ngành nghề độc hại, nguy hiểm sẽ tác động tới quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hàng năm, ốm đau, chế độ nghỉ hưu. Nhiều người kỳ vọng chính sách mới sẽ mang lại tín hiệu khả quan hơn trong mùa tuyển sinh các ngành nghệ thuật biểu diễn năm nay.

Gạn đục, khơi trong là tình trạng tuyển sinh chung của nhiều đơn vị giáo dục nghệ thuật, như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Nhiều chuyên ngành khó tuyển sinh, thậm chí trắng sinh viên trong năm học tới.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quyết định mở ngành sẽ hết hiệu lực nếu 3 năm cơ sở đào tạo không tuyển sinh được sinh viên. Tuy nhiên, việc đóng cửa chuyên ngành không phải nỗi lo lớn nhất của những người làm công tác đào tạo nghệ thuật.

"Khi không tuyển sinh được đồng nghĩa với việc các thế hệ nghệ sĩ kế cận không còn nữa. Nếu không còn nữa thì dứt khoát ngành ấy sẽ bị thui chột. Đây là bài toán rất khó, đòi hỏi sự cộng lực của rất nhiều đơn vị trong xã hội", TS. Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chia sẻ.

Nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, nhiều chính sách thu hút người học đã được đưa ra, như giảm học phí tới 70%, bồi dưỡng nghề, hỗ trợ tiền trang phục biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhưng những ngành này vẫn chưa đủ sức hút. Bởi lẽ người học nhìn vào tương lai phát triển của ngành học chứ không chỉ nhìn vào chính sách đãi ngộ trong trường.

Đại diện các đơn vị đào tạo đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngày càng ít mặn mà với các ngành nghệ thuật đặc thù, trong đó có khó khăn trong đầu ra và thu nhập. Thực tế, đa phần các sinh viên nghệ thuật sau khi ra trường khó sống được bằng nghề đã làm giảm sức hút đầu vào của các môn đào tạo ngành nghệ thuật.

Để gỡ khó cho tuyển sinh cho các ngành nghệ thuật, trước mắt cùng với chính sách khuyến khích về học phí, cần có cơ chế đãi ngộ về thù lao. Để các ngành nghệ thuật đặc thù sống trong đời sống đương đại, các nhà hát cũng cần năng động hơn, nhằm tìm ra các mô hình hoạt động hiệu quả, có thêm các hoạt động mang lại thu nhập cho diễn viên và thêm nhiều chính sách cụ thể, thiết thực từ các địa phương.

Các cơ sở đào tạo đang nỗ lực đổi mới chương trình, nhằm tạo sức hút cho các ngành khó tuyển sinh như liên kết với các nhà hát tạo đầu ra, thành lập các dàn nhạc trẻ tạo bầu không khí sinh hoạt nghệ thuật… Ngoài các chính sách này, việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển mới là giải pháp lâu dài giúp các sân khấu truyền thống có cơ hội phát triển, từ đó tạo sức thu hút người trẻ. Giáo dục nghệ thuật, bồi đắp hiểu biết và tình yêu cho công chúng, nhất là công chúng trẻ, cũng là yếu tố góp phần tạo nên lớp công chúng mới cho các ngành nghệ thuật đặc thù

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước