Hạn chế tối đa tai biến y khoa, điều trị bệnh hiệu quả và giúp phòng ngừa, kiểm soát tốt bệnh tật cho cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng của các thầy thuốc. Để làm được điều này, sinh viên y khoa cần được đào tạo bài bản và đảm bảo chất lượng ngay từ trong các trường Đại học, Cao đẳng.
Từ 5 năm nay, một đề án có tên là "Tăng cường chất lượng đào tạo y khoa dựa trên năng lực" đã được triển khai tại 5 trường Đại học và Cao đẳng y khoa. Đây là dự án đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vay từ nguồn vốn ODA để thực hiện đổi mới đào tạo hệ thống y tế. Mục tiêu quan trọng là nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ y bác sĩ, đáp ứng với những yêu cầu của một y học hiện đại.
Các chuyên gia cho biết, phương pháp đào tạo dựa theo chuẩn năng lực sẽ dựa trên mô hình các bệnh tại Việt Nam và mỗi sinh viên khi ra trường có thể nhanh chóng tham gia công tác khám chữa bệnh tại cơ sở. Vấn đề thái độ của nhân viên y tế cũng lần đầu tiên được đề cập và đưa vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên.
Với phương pháp mới này, sinh viên sẽ chủ yếu là tự học, học theo nhóm có sự hướng dẫn của giảng viên. Số giờ dạy tăng lên và ngay từ năm thứ hai, sinh viên đã được học trên lâm sàng. Điều này cũng cần sự thay đổi tư duy giảng dạy của các giảng viên trong cách dạy như: giờ dạy sẽ phải tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 3 vì sinh viên được chia thành nhóm nhỏ. Các trường cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Mục tiêu mà dự án đặt ra là sinh viên y khoa khi ra trường không chỉ có năng lực làm việc mà phải hiểu được hệ thống y tế nước nhà cũng như có khả năng làm việc tại cộng đồng.
Để triển khai đào tạo theo hướng phát triển năng lực, thực ra không hề đơn giản. Cần phải đầu tư mạnh về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là xây dựng được đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề, liên tục cập nhật kiến thức lâm sàng.
Ví dụ điển hình như trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Trường đã phải chuẩn bị trong hơn 10 năm, từ giáo trình đến hạ tầng cơ sở. Ở mỗi buổi thi, không có giáo viên trông thi và mỗi đề thi chính là một người bệnh. Sinh viên phải sử dụng kỹ năng giao tiếp để có thể khai thác tình trạng của bệnh nhân. Thông qua hệ thống camera, giáo viên sẽ đánh giá theo những tiêu chí như cách khai thác tiền sử bệnh, thái độ với bệnh nhân… Vì vậy, nếu sinh viên chỉ học thuộc kiến thức trong sách vở thì không thể vượt qua kỳ thi.
Những mô hình mô phỏng lâm sàng từ cơ bản đến phức tạp với những phản ứng về nhịp tim, huyết áp… giống như bệnh nhân thật sẽ giúp sinh viên không bỡ ngỡ khi khám cho bệnh nhân. 80% sinh viên đã có phản hồi tích cực với phương pháp đào tạo mới. Dù mới chỉ tham gia thực tập tại các bệnh viện nhưng các sinh viên đã nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!