Nghị quyết 20 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nhấn mạnh về việc triển khai chính sách bao phủ y tế toàn dân, đào tạo cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình.
Mục tiêu của nghị quyết này đã nâng tầm quan trọng của đề án Tăng cường Y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mà Bộ Y tế đã và đang xây dựng và phát triển.
Trên thực tế, những giường bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối luôn đầy chặt bệnh nhân. Là người bệnh, ai cũng có tâm lý phải đi khám bệnh ở những bệnh viện lớn và tốt. Thực ra, đây là vấn đề Bộ Y tế đã nhận ra. Theo đó, xây dựng hệ thống chăm sóc y tế ở tuyến thấp nhất, tuyến cơ sở phường, xã tốt bao nhiêu là cách để giảm áp lực lên các tuyến trên bấy nhiêu.
Dự kiến, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ xây dựng 26 trạm y tế điểm tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Long An, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Sau đó, mô hình trạm điểm này sẽ được nhân rộng ra cả nước.
Các trạm y tế được chọn làm điểm có quy mô dân số từ 5.000 đến 6.000 người; cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế; cơ bản đủ đội ngũ nhân lực, ưu tiên các trạm mời được các bác sĩ về hưu, kết hợp lương y tại địa phương để làm việc tại trạm.
Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ, đào tạo, Bộ Y tế có mặt tại trường quay Vấn đề hôm nay ngày 8/5 sẽ cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!