Ban Sản xuất các chương trình giải trí: Xây dựng đội ngũ để phát triển

Tạp chí truyền hình-Chủ nhật, ngày 06/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - VTV là một môi trường làm việc khắc nghiệt. Và để tồn tại ở VTV cũng như ở Ban Sản xuất các chương trình giải trí, đội ngũ làm việc phải là những người thực sự tài năng.

Khi VTV tròn 50 tuổi cũng là lúc VTV3 sắp chào đón tuổi thứ 25. Năm 1996 đánh dấu sự ra đời của VTV3 với tên gọi ban đầu là Kênh Thể thao – Giải trí và Thông tin kinh tế. Ban Sản xuất các chương trình giải trí đảm nhận nhiệm vụ chủ lực trong việc sản xuất các chương trình phát trên kênh sóng này.

Nét đặc sắc của VTV3

Nhắc nhớ lại những ngày đầu tiên của kênh VTV3, nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí – chia sẻ: "VTV3 ra đời vào thời kì mà chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường phát triển tốt, có đầy cơ hội mới. VTV3 là một kênh được mở ra để tạo ra một không gian hoàn toàn mới. Trước đó, chúng ta có VTV1, VTV2 rất thú vị, có phim tài liệu, kịch, phóng sự… nhưng chưa có giải trí, chưa có những chương trình mang tính giao tiếp, tương tác trực tiếp sống động".

"Với VTV3, lần đầu tiên những người rất bình thường như xe ôm, người giúp việc, bán hàng ở chợ cũng có thể lên truyền hình, có thể thấy mình trên tivi, tham gia một trò chơi, được reo hò vui vẻ, được chơi và được quà mang về. Những bạn học sinh ở những vùng quê rất nghèo như Quảng Bình, Quảng Trị lần đầu tiên có một cơ hội đổi đời, có được hàng chục nghìn đô la để sang nước ngoài học tập. VTV3 đã mở ra những cơ hội giống như quần chúng hóa truyền hình, không bình dân theo kiểu thấp đi, mà bình dân theo kiểu mở một không gian cho sự tham gia đối thoại của người dân và người dân được chia sẻ cảm xúc của mình. Chính yếu tố cảm xúc, yếu tố văn hóa, yếu tố con người đã làm nên nét đặc sắc của VTV3 trong thời gian vừa qua".

Có thể nói, VTV3 đã có thời gian 10 năm đầu thống lĩnh và chiếm trọn trái tim của khán giả. Trong gia đình VTV, kênh VTV3 vinh dự được là một kênh mở đầu cho những chương trình giàu cảm xúc. Với tiêu chí ấy, lãnh đạo Ban Sản xuất các chương trình giải trí luôn mong muốn, những chương trình do Ban thực hiện sẽ dẫn dắt được các đơn vị xã hội hóa để họ cũng có cảm xúc và có tính định hướng, sự chuẩn mực, sự chuyên nghiệp và đặc biệt tiêu chuẩn đạo đức phải cao hơn để làm hài lòng khán giả cả nước. 

"Hiện nay, chắc nhiều người chưa hài lòng với những chương trình do đơn vị bên ngoài làm, trong đó có trách nhiệm của rất nhiều bên và có cả ban của tôi nhưng chúng ta sẽ phải làm tiếp. Tôi vẫn tin là việc phát huy trí tuệ của tập thể bên ngoài rất tốt nhưng làm thế nào để định hướng họ, để họ mang lại những món ăn giá trị tinh thần cao cấp hơn, lành mạnh, bổ ích hơn cho người dân. Đừng nghĩ giải trí nghĩa là không để làm gì, là tầm phào, vô bổ. Mỗi món ăn đều có ý nghĩa của nó, có sự bổ dưỡng, lành mạnh trong đó. Nếu không, chúng ta không có giá trị tồn tại trong cuộc sống này, người dân sẽ quay lưng lại. Đó là điều tôi mong muốn trong những năm tới phải làm tiếp" – nhà báo Tạ Bích Loan thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Ban Sản xuất các chương trình giải trí: Xây dựng đội ngũ để phát triển - Ảnh 1.

Nhà báo Tạ Bích Loan.

Giải trí có tính định hướng

Trong ba năm qua, trên kênh VTV3, Ban Sản xuất các chương trình giải trí đã xây dựng nhiều chương trình mang tính định hướng giải trí thẩm mĩ. Điển hình có thể nhắc đến là chương trình Giai điệu tự hào. Bản chất của chương trình này đã bao hàm cả hai yếu tố: yếu tố định hướng là những niềm tự hào của Việt Nam và yếu tố thẩm mĩ, yếu tố văn hóa giải trí là giai điệu. Mỗi chương trình đòi hỏi một lời giải khác nhau và trong chương trình phải thể hiện được sự sáng tạo. 

Trong thời gian cả nước giãn cách xã hội, hai chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề Ta lớn lên cùng đất nước; Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi đều gặp thách thức không được cho phép khán giả đến trường quay. Ekip chương trình Ta lớn lên cùng đất nước đã giải bài toán khó này bằng cách để nhân vật chia sẻ cảm xúc của họ cùng với sự tham gia trực tuyến của một số khán giả xem truyền hình. Từ đó, chương trình được hiểu một cách có chiều sâu nhưng đồng thời bằng những yếu tố thẩm mĩ, yếu tố văn hóa, những bài hát đi vào lòng người như Đội ca, Kim Đồng…, khán giả đã cảm nhận được sức mạnh của âm nhạc khi được xem Ta lớn lên cùng đất nước. 

Theo đó, câu chuyện của cố nhạc sĩ Phong Nhã, câu chuyện của NSƯT Hồng Liên hay câu chuyện của NSƯT Xuân Bắc… đã thực sự chạm đến trái tim của khán giả. Ta lớn lên cùng đất nước đã nói lên giá trị của việc lí tưởng hay nhân cách sống của con người được nuôi dưỡng từ thuở nhỏ thông qua những bài hát thiếu nhi. Cũng như thế, chương trình Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi cũng diễn ra trong thời điểm đất nước gồng mình trải qua những khó khăn. Trong những năm tháng đói khổ nhưng những vần thơ của hai cố nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn đẹp, vẫn bay lên như "mây trắng của cuộc đời". Lúc này, đọc thơ của họ, khán giả thấy được niềm cổ vũ lớn lao, cảm nhận được gió và tình yêu đồng nghĩa với sự chia sẻ đồng cảm với nhau, tình yêu lan tỏa trên khắp đất nước Việt Nam sẽ là động lực giúp con người vượt qua những khó khăn trong thời kì COVID-19.

Ban Sản xuất các chương trình giải trí: Xây dựng đội ngũ để phát triển - Ảnh 2.
Ban Sản xuất các chương trình giải trí: Xây dựng đội ngũ để phát triển - Ảnh 3.

Chiến sĩ 2020.

Bên cạnh Giai điệu tự hào, series chương trình Chiến sĩ 2020 cũng đã đạt được thành công nhất định. Ekip thực hiện chương trình đã tạo ra những yếu tố giải trí như những trò chơi thú vị giữa những người trẻ, những ngôi sao truyền hình với chiến sĩ. Trong mỗi trò chơi, ekip luôn cố gắng gửi gắm một thông điệp, là sự vất vả của những người chiến sĩ, là tình yêu của họ với quê hương đất nước, gia đình hay những cảm xúc của họ đối với truyền thống lịch sử... Điều đáng mừng là sau thời gian phát sóng format mới, Chiến sĩ 2020 đã đạt rating cao hơn và tạo ra một làn gió mới trong loạt các chương trình "cây đa cây đề" của Ban.

Lời giải cho bài toán khó

Đôi khi, nhiều người nghĩ rằng chương trình mang tính định hướng sẽ mang tính tuyên truyền và không bao hàm những yếu tố văn hóa giải trí. Có người lại cho rằng, những chương trình văn hóa giải trí thường không đọng lại suy nghĩ gì, không có tính định hướng. Tuy nhiên, với VTV, đặc biệt là VTV3, hai yếu tố ấy không tồn tại riêng. Ban Sản xuất các chương trình giải trí đã, đang và sẽ phải làm những chương trình thực sự có định hướng và có những yếu tố giàu sức biểu cảm, văn hóa thẩm mĩ và có tính giải trí.

Ban Sản xuất các chương trình giải trí: Xây dựng đội ngũ để phát triển - Ảnh 4.

 Hai yếu tố đó không đối lập với nhau mà ngược lại, bổ sung cho nhau, những yếu tố biểu cảm dẫn dắt cảm xúc của khán giả, giúp họ quan tâm, thích thú để xem chương trình. Khi xem chương trình mình thích, khán giả sẽ tìm ra ý nghĩa của câu chuyện và cảm nhận được những bài học cho tâm hồn, trí tuệ, nhân cách của chính mình và thấy một ngày của mình có ý nghĩa hơn. Đó chính là điều mà VTV cũng như kênh VTV3 luôn mong đợi và hướng tới.

Để đảm bảo được các yếu tố ấy trong một chương trình là điều cực kì khó. "Khó bởi vì muốn như thế thì mọi người phải rất tâm huyết và thực sự phải rất giỏi nghề. Để kể một câu chuyện thu hút được sự chú ý của mọi người, nó phải có rất nhiều yếu tố, từ ngôn ngữ đến hiểu tâm lí của khán giả và đặc biệt phải nắm bắt thực tiễn cũng như đi sâu vào đề tài mình tìm hiểu thì mới có thể thành công. Tôi nghĩ rằng, ban đầu bao giờ cũng rất khó nhưng sẽ tốt hơn và càng ngày chúng ta sẽ có sản phẩm đáp ứng lòng mong đợi của khán giả. Chỉ cần làm tốt một chương trình, ngay lập tức sẽ có sự hồi âm của khán giả. Khán giả vừa bao dung, vừa độ lượng, vừa nghiêm khắc nhưng họ rất chờ đợi những gì VTV đang làm. Tôi cho rằng, để đền đáp được tình cảm ấy của khán giả, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa" – nhà báo Tạ Bích Loan tâm sự.

Làm chương trình giải trí nhưng phải mang tính định hướng – đây là một bài toán rất khó và đôi lúc những người làm chương trình cũng thấy bất khả thi. Tuy nhiên, lời giải duy nhất chính là dựa vào đội ngũ, dựa vào những con người làm nghề và truyền cho họ một niềm tin phải làm chương trình có ý nghĩa, có tính nhân văn, có những gửi gắm sâu sắc bên trong nhưng phải rất thu hút, thú vị. "Quan trọng với một đội ngũ là phải có một mục tiêu, một bài toán để các bạn sẽ tự giải rồi chúng ta tập hợp đội ngũ lại làm. Bài toán ấy chính là các nhiệm vụ đặt ra. Và đội ngũ sẽ được kết nối lại để các bạn cùng nhau có sản phẩm thú vị. Khi có những sản phẩm thú vị, chúng ta sẽ phải tạo tiếp động lực bằng cách tuyên dương hay nói về những điều tốt mà các bạn sẽ học tập, học hỏi. Mất rất nhiều thời gian nhưng tôi tin rằng xây dựng một đội ngũ là điều quan trọng trong bất cứ một tổ chức nào, nhất là những tổ chức sáng tạo" – nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.

VTV là một môi trường làm việc khắc nghiệt. Và để tồn tại ở VTV cũng như ở Ban Sản xuất các chương trình giải trí, đội ngũ làm việc phải là những người thực sự tài năng. "Điều tôi thích nhất ở đội ngũ của mình là các bạn rất có tâm. Ví dụ như các bạn làm câu chuyện một người cả đời chỉ đi gõ đường tàu, ngày nào anh cũng xem có đinh nào rơi lại vặn vào. Tuy lương thấp nhưng anh rất tự hào về công việc của mình, để đảm bảo cho những chuyến tàu an toàn. Hay câu chuyện về một bạn viết chữ đẹp sau trở thành nghề, được cả thế giới trân trọng vì viết chữ đẹp cho các hãng. Những câu chuyện tốt đẹp như thế đã truyền cảm hứng cho xã hội. Các bạn đã tự tìm ra được những câu chuyện rất xúc động có nghĩa là các bạn rung động với cuộc sống này. Đó là điều tôi cảm thấy đáng nuôi dưỡng, đáng tự hào" – nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước