Giai điệu tự hào tháng 10 - Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay

Thảo Nguyên-Thứ tư, ngày 02/10/2024 14:06 GMT+7

VTV.vn- Giai điệu tự hào tháng 10 có chủ đề Tình em, kể về những bức thư riêng tư nay đã trở thành một phần của ký ức, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về quá khứ hào hùng của cha ông.

Sức mạnh của những bức thư

Hành trang tinh thần của người lính trong quá khứ, khi chiến đấu chống lại kẻ thù, bao gồm những vần thơ, những bức thư và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Chính nhờ những điều này, họ đã có được sức mạnh để giành chiến thắng. Dù xa cách, tình yêu và niềm tin giữa người ra đi và người ở lại không bao giờ phai nhạt. Tình yêu đó được ghi lại qua những bức thư.

Dù những bức thư tình trong thời chiến đã bị thời gian làm phai mờ, nhưng chúng vẫn chứa đựng những ký ức xúc động của các chiến sĩ xưa, bao gồm những khoảnh khắc lãng mạn, vinh quang và đời thường, như một dấu vết còn lại của tình yêu vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh. Những bức thư riêng tư giờ đã trở thành một phần của lịch sử và ký ức, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về quá khứ hào hùng và đầy mất mát của ông cha, cũng như những tháng ngày lịch sử không thể quên của dân tộc.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 1.

Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong chương trình

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 2.

NSƯT Vũ Thắng Lợi, NSƯT Lan Anh biểu diễn trong chương trình

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 được chia làm 3 chương: Chương I. Lời hẹn. Chương II. Lỡ hẹn. Chương III. Ngày đoàn tụ. Chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 sẽ khắc họa tình yêu thiêng liêng và lòng trung thành giữa những người lính và người ở lại thông qua những lá thư tình bạc màu theo thời gian. Những lá thư này không chỉ là phương tiện liên lạc trong thời chiến mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần giúp các chiến sĩ vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất.

Chương trình mang đến cho khán giả một cái nhìn sâu sắc về quá khứ, khơi dậy những cảm xúc tự hào, xúc động và niềm tin vào tương lai thông qua các phóng sự. Đó có thể là phóng sự "Sức mạnh của những lá thư" sẽ đưa khán giả trở lại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi những lá thư trở thành cầu nối duy nhất giữa hậu phương và tiền tuyến. Đặc biệt, bà Thanh Hồng, vợ của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, chia sẻ về vai trò quan trọng của những lá thư trong việc duy trì niềm tin và hy vọng suốt những năm tháng khốc liệt ấy. Ngoài ra, nhà văn Đặng Vương Hưng, người đã dành nhiều năm trời sưu tầm hàng trăm lá thư chiến trường, cũng có những chia sẻ về giá trị lịch sử và nhân văn mà những bức thư này mang lại.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 3.

Những bức thư ấy chính là một cây cầu bền chặt kết nối khăng khít tình yêu đôi lứa thời bấy giờ cũng được tô điểm trong phóng sự thứ hai "Chuyện tình xuyên thế kỷ qua 500 bức thư" với câu chuyện tình yêu cảm động của vợ chồng nhà văn Nguyễn Thị Thanh Hương và Vũ Tú Nam, kéo dài từ những năm 1950 đến năm 1968. Hơn 500 bức thư mà họ viết cho nhau trong suốt quãng thời gian xa cách đã trở thành minh chứng sống động cho tình yêu vượt thời gian.

Phóng sự sẽ đưa khán giả về những ngày đầu tiên khi hai người còn là bạn, rồi yêu nhau và sau đó là vợ chồng, qua những lá thư chuyền tay, được gửi nhờ qua các đồng chí giao liên, chưa có tem bưu điện. Những tờ giấy đã ố vàng, nhiều trang bị nhòe mực nhưng vẫn chứa đựng những cảm xúc chân thật và mãnh liệt.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 4.

Tiếp nối là một phóng sự "Hết chiến tranh rồi sao anh chưa về?" kể về bà Lê Thị Chạy, vợ của liệt sĩ Đoàn Anh Thông, và hành trình đi tìm hài cốt chồng cùng với con trai, anh Đoàn Nam Phong. Hơn 200 lá thư mà ông Thông để lại đã trở thành những kỷ vật vô giá, giúp bà Chạy vượt qua những năm tháng khó khăn. Những lá thư này không chỉ là kỷ vật của tình yêu mà còn là nguồn động viên to lớn giúp bà Chạy giữ vững niềm tin và hy vọng vào ngày chồng mình trở về. Dù chiến tranh đã kết thúc từ lâu, nhưng nỗi nhớ chồng và sự khao khát tìm lại hài cốt của ông vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng bà.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 5.
Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 6.

Tái hiện đám cưới xưa dành tặng những khách mời đặc biệt

Những câu chuyện xúc động

Xuất hiện trong chương trình sẽ có những nhân vật đặc biệt, họ là biểu tượng của một tình yêu vĩnh cửu cũng như tình yêu Tổ quốc, đó là bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, thành viên đội nữ lái xe Trường Sơn, và ông Trần Công Thắng, công binh lái máy ủi trên tuyến đường Trường Sơn. Dù cùng chiến đấu trên một chiến trường, nhưng bà Ánh và ông Thắng lại ở hai bên Đông và Tây của dãy Trường Sơn, cách nhau hàng trăm cây số.

Trong suốt những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, họ đã gửi cho nhau những bức thư chứa đựng tình yêu, niềm tin và hy vọng. Những lá thư ấy đã trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Những cuốn nhật ký "Tình yêu và chiến tranh" gồm 164 trang do chính ông Thắng viết đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ. Những chia sẻ của ông bà về những kỷ niệm khó quên khi lái xe qua những ngầm trọng điểm, nơi bà luôn hy vọng sẽ được gặp lại người yêu, trong khi ông phải làm những nhiệm vụ nguy hiểm và cảm giác nhớ nhung khôn nguôi mỗi khi nghĩ về người con gái ông yêu.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh và Ông Trần Công Thắng

Một trong những điểm nhấn của chương trình đó chính là câu chuyện cảm động về sự hy sinh to lớn cũng như lòng bao dung dành cho người yêu mình với 109 bức thư tình của liệt sĩ Trần Minh Tiến và bà Vũ Thị Lui (Lưu Liên). Trong suốt quãng thời gian yêu nhau từ năm 1963 đến năm 1968, ông Tiến đã viết 109 bức thư tình gửi cho bà Liên, mỗi bức thư là một lời nhắn nhủ, một lời động viên và là biểu hiện của tình yêu sâu sắc. Bà Liên sẽ chia sẻ về những kỷ niệm của hai người, về những lá thư mà ông Tiến đã viết trước khi ra trận, và cả về những kỷ vật mà bà giữ lại như chiếc khăn tay thêu hoa tím, chiếc nhẫn có hình hai trái tim lồng vào nhau đều là những món quà kỷ niệm mà ông Tiến đã tặng bà trước khi lên đường ra trận.

Câu chuyện sẽ được kể lại với sự xúc động, khi bà Liên nhớ lại đêm 31/5/1968, bà mơ thấy ông Tiến hy sinh, và điều đó đã trở thành sự thật. Mặc dù ông Tiến đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu của ông dành cho bà vẫn sống mãi qua những bức thư và kỷ vật mà bà luôn trân trọng giữ gìn.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 8.

Âm nhạc được làm mới

Nếu như những câu chuyện, phóng sự giúp khán giả có cái nhìn chi tiết và rõ nét hơn hình ảnh tình yêu thiêng liêng, thủy chung son sắt của những anh bộ đội Cụ Hồ và các cô gái giao liên thì âm nhạc lại bồi đắp cảm xúc. Những ca khúc đi cùng năm tháng của tình yêu tuổi trẻ mà có lẽ ai cũng thuộc nằm lòng như: Liên khúc "Tình em", Tình Ca, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Mùa Xuân, Miền Xa Thẳm, Ông bà anh, Đất Nước Tình Yêu được phối khí bởi nhạc sĩ Hoàng Anh Minh với phong cách mới. Chương trình cũng có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến như: NSƯT Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Bảo Trâm, Đông Hùng, Tùng Dương, Lâm Phúc, Hương Ly, Phạm Thu Hà, Lan Anh, Đinh Mạnh Ninh biểu diễn cùng các nhóm múa chuyên nghiệp khiến khán giả như được sống lại những ngày tháng của tình yêu thời chiến.

Cùng những bài ca tri ân hấp dẫn là phần sân khấu của chương trình, được chú trọng với màn hình led cỡ lớn tạo ra lớp lang thay đổi tương ứng với từng bối cảnh của ca khúc.

Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 9.
Giai điệu tự hào tháng 10 -  Tình em: Nhìn lại quá khứ hào hùng qua những bức thư tay - Ảnh 10.

Không chỉ khắc họa tình yêu thiêng liêng và lòng trung thành giữa những người lính và người ở lại thông qua những lá thư tình bạc màu theo thời gian, mà còn mang đến cho khán giả những câu chuyện cảm động về sự hy sinh và kiên trì. Qua đó, khán giả sẽ có cơ hội nhìn lại một phần quá khứ đầy tự hào của dân tộc, đồng thời khơi dậy trong lòng mỗi người những cảm xúc sâu lắng về tình yêu, sự hy sinh, và lòng yêu nước.

Chương trình do Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và Ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3 phối hợp thực hiện, hướng tới 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đón xem Giai điệu tự hào tháng 10 phát sóng vào lúc 20h40 ngày 6/10 trên VTV1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước