Trong 15 năm qua, số lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng bình quân 13,8% mỗi năm. Năm 2013, sân bay này đạt lưu lượng 20 triệu hành khách và dự kiến đến 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào thời điểm sau đó.
Tuy nhiên, chủ trương mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất từ 40 đến 50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025 - 2030 là không khả thi do phải di dời 140.000 hộ dân; do hạn chế từ vùng cấm bay và cơ sở hạ tầng khu vực xung quanh.
Vì vậy, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đón đầu cho nhu cầu tăng trưởng trong tương lai là cần thiết, nhằm chia sẻ nhu cầu hành khách với sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai. Với số vốn đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định chỉ cần Nhà nước cho cơ chế, doanh nghiệp sẽ tự huy động bằng các hình thức khác nhau.
Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, do vậy sẽ thuộc thẩm quyền Quốc hội cho ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cho biết, sẽ cân nhắc, xem xét quyết định đầu tư một cách cẩn trọng dựa trên ba tiêu chí.
“Các đại biểu Quốc hội sẽ căn cứ vào báo cáo của Chính phủ và sẽ quan tâm một số nội dung tôi cho rằng sẽ không thể thiếu được. Thứ nhất là quy hoạch các cảng hàng không cho đến năm 2020 và dài hơn để quyết định về mặt quy hoạch. Thứ hai là quan tâm về tổng đầu tư và tiến độ thực hiện triển khai dự án. Thứ ba là quan tâm đến tác động của dự án đó đối với xã hội”, ông Chu Sơn Hà - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nói.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xem là dự án đặc biệt quan trọng. Nếu thành công, cảng hàng không này có thể trở thành cảng trung chuyển hành khách trong khu vực Đông Nam Á theo tiêu chuẩn quốc tế như các cảng hàng không lớn trên thế giới.