Xây dựng quan hệ đối tác vì một châu Á - TBD hòa bình, ổn định

Hồng Phúc - Ngọc Tuấn - Việt Nữ-Thứ tư, ngày 12/11/2014 19:33 GMT+7

Ảnh: TTXVN

APEC lần thứ 22 có một ý nghĩa quan trọng vì diễn ra đúng vào thời điểm 25 năm hình thành và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bogo về liên kết kinh tế khu vực.

Trong các ngày từ 9-11/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC lần thứ 22, tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. APEC lần này có một ý nghĩa quan trọng vì diễn ra đúng vào thời điểm 25 năm hình thành và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bogo về liên kết kinh tế khu vực, cũng trong lúc này tình hình khu vực có những chuyển động khó đoán định nên mọi hoạt động đa phương và song phương tại hội nghị đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, nước chủ nhà Trung Quốc đã đón chào các nhà lãnh đạo APEC bằng lễ đón với nhiều ấn tượng. 25 năm kể từ khi ra đời ý tưởng hình thành một liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định lợi ích của diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực đem lại. Qua 25 năm, mức thuế trung bình của APEC giảm xuống còn chưa đến 6% và ít ai hình dung thương mại toàn khu vực đã có thể tăng lên gần 20.000 tỷ USD như hiện nay, trong đó gần 70% là thương mại nội khu vực, hợp tác trong APEC ngày càng được triển khai hiệu quả và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới. Khu vực này cũng đóng góp 55% GDP và 44% thương mại toàn cầu.

Lần này các nhà lãnh đạo APEC cũng thông qua một kế hoạch tổng thể về kết nối hạ tầng giai đoạn 2015-2025, lần đầu tiên đề ra các biện pháp để kết nối hạ tầng cơ sở góp phần hình thành một thị trường chung rộng lớn và không gian thống nhất cho tăng trưởng và phát triển. Để thực hiện được những mục tiêu to lớn và tổng quát đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần có một môi trường đảm bảo, trong khuôn khổ hội nghị, hàng loạt các cuộc tiếp xúc tay đôi, dù ngắn gọn, giữa các nguyên thủ của các thành viên quan trọng đã diễn ra trong không khí hòa dịu với những cái bắt tay và tuyên bố bày tỏ thiện chí giải quyết bất đồng đang tồn tại.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham gia đầy đủ và có các phát biểu quan trọng tại 3 phiên họp toàn thể của cấp cao APEC về các chủ đề Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng; Phát triển sáng tạo, tăng trưởng và cải cách kinh tế. Phát biểu với các nhà lãnh đạo APEC, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn tác động sâu sắc, phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với các nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.

Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, Chủ tịch nước khẳng định, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Với chủ thể là liên kết kinh tế, sự tham vấn của các doanh nghiệp khu vực là hết sức quan trọng và được đề cao, 10 nhà lãnh đạo trong đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được mời tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh các doanh nghiệp APEC. Chủ tịch nước đã cùng đối thoại và phát biểu với sự tham gia của hơn 1.500 tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực về chủ đề về Tăng cường kết nối khu vực, những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách,

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Đông Nam Á, ASEAN luôn tiên phong khởi xướng ý tưởng và triển khai tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối, khẳng định vai trò hạt nhân trong liên kết và kết nối ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thời gian từ nay đến 2020 là giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, năng động của Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, các bước đi hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới có ý nghĩa gắn liền cũng như thúc đẩy những cải cách, đổi mới sâu rộng trong nước.

Bên cạnh các đề xuất tích cực của Việt Nam được hội nghị đánh giá cao như đề cao nhu cầu duy trì hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế hay gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng với phát triển bền vững theo các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, thì quyết tâm hội nhập của Việt Nam là một đóng góp trực tiếp vào thành công của APEC 22.

Tại cuộc họp cấp cao lần thứ 5 của các thành viên tham gia đàm phán Hiệp đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương, Chủ tịch nước cùng các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung với những định hướng cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán thời gian tới, khẳng định quyết tâm chung sớm hoàn tất một hiệp định toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. Tính đến nay đàm phán Hiệp định TPP khởi động từ năm 2010 và đã trải qua gần 5 năm đàm phán.

Trong những ngày diễn ra hội nghị, Chủ tịch nước đã thực hiện tổng cộng 13 cuộc tiếp xúc song phương với các thành viên APEC và đạt được các thỏa thuận quan trọng, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu đặt ra trước chuyến đi. Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước cho rằng, hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, trong đó cần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận của Lãnh đạo hai Đảng, hai nước để xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp.

Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Đông là một thực tế, điều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, phát triển tình hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và  nhân dân Trung Quốc; việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Trong tiếp xúc với Tổng thống Nga Putin, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường độ tin cậy chính trị cao thông qua trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhận lời mời của Tổng thống Putin về tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít được tổ chức tại Moscow. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan; tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tại Nga.

Trong cuộc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên đã trao đổi về phương hướng triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có việc phối hợp tổ chức trao đổi đoàn cấp cao và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Chủ tịch nước đã mời Tổng thống Obama sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ cảm ơn lời mời và cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp.

Gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên bày tỏ sự hài lòng trước những phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là từ khi hai nước nâng quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước tháng 3/2014. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển.

Tại các cuộc gặp gỡ với các 9 thành viên APEC khác là Hàn Quốc, Chile, Brunei, Australia, Peru, Thái Lan, Philippine, Indonesia và Papua NewGhinea, Chủ tịch nước đã trao đổi ý kiến sâu rộng về tăng cường hợp tác song phương và phương hướng phối hợp tại các diễn đàn đa phương trong bối cảnh có nhiều vấn đề an ninh, phát triển đang nổi lên ở khu vực và thế giới. Các lãnh đạo thành viên APEC cũng như lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới đều đánh giá cao những bước triển khai hội nhập quốc tế hiệu quả của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Sau những gì diễn ra tại Hội nghị cấp cao APEC 2014, có thể khẳng định hợp tác và hội nhập tiếp túc là lợi ích chung và là xu thế chủ đạo ở châu Á - Thái Bình Dương. Liên kết khu vực đã trở nên cấp bách và sâu rộng hơn, với tiêu chuẩn cao hơn. Cả cơ hội hay thách thức đều đang đòi hỏi Việt Nam có những bước chuyển mạnh mẽ hơn ở trong nước, nhất là về thể chế và năng lực triển khai.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online .

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước