Huy động nguồn lực xã hội để cải tạo cống mương ô nhiễm giữa Trung tâm thành phố Hà Nội là phương án tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Theo quy định, doanh nghiệp cải tạo mương chỉ được khai thác phần đất trên mương thì các đơn vị cấp dưới đã tham mưu cho thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp. Việc này là trái với các quy định của pháp luật. Vụ việc xảy ra đã lâu và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ ra trong cuộc họp với Hà Nội và yêu cầu xử lý trước ngày 1/4 và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay việc xử lý đang gặp rất nhiều vướng mắc khi doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khai thác, kinh doanh.
Năm 2007, mương Phan Kế Bính đã được đấu thầu công khai. Nhà đầu tư tự bỏ vốn để cống khóa con mương này. Đổi lại thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp với thời hạn 20 năm để khai thác làm dịch vụ trông giữ xe và các dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên 3 năm sau, dự án đã bị tạm dừng triển khai do phát hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp trên đất mương là trái quy định của pháp luật, nhất là theo quy hoạch, phần mương này thuộc diện tích đất mở đường Phan Kê Bính. Sự việc tại thời điểm đó đã không được giải quyết dứt điểm, thậm chí chính quyền địa phương trong một thời gian dài còn để doanh nghiệp tự ý xẻ thịt nhiều diện tích quy hoạch là bãi trông giữ xe, thành nhà hàng, siêu thị, cho thuê thu về cả tỷ đồng mỗi tháng.
Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô cũng trong tình trạng tương tự. Chủ đầu tư cũng được câp giấy chứng nhận quyền sử dụng trong 50 năm để làm bãi trông giữ xe và công trình dịch vụ hỗ trợ sau khi bỏ cả trăm tỷ đầu tư. Tuy nhiên, do trong giấy phép đầu tư thành phố Hà Nội cấp lại mập mờ không nói rõ các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác là dịch vụ gì, nên chủ đâu tư đã cho phần lớn nhà hàng thuê tại đây thu cả vài tỷ đồng/tháng .
Trước thông tin phải chuyển đi này nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ buộc đơn vị đang cho công ty thuê đất, chính là chủ đầu tư dự án cải tạo phải đền bù thiệt hại .
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho biết sẽ tham mưu cho thành phố Hà Nội hủy bỏ hẳn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho 2 dự án này và thu hồi lại diện tích mặt mương giao về cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên cái khó là ở chỗ, việc cấp phép sai là lỗi do cơ quan quản lý nhà nước nên đơn vị tham mưu sai phải bồi thường cho doanh nghiệp. Thế nhưng gần 10 năm trôi qua, vẫn chưa quy được trách nhiệm người làm sai, cũng như mức đền bù cho doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp cứ tự do sử dụng, cho thuê sai mục đích, còn cơ quan quản lý làm ngơ vì sợ doanh nghiệp kiện bắt bồi thường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!