Đau đớn, phẫn nộ, căm giận... là những từ ngữ được nhiều người nhận xét sau khi biết được câu chuyện bạo hành trẻ em ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý - hai người mang chức danh bảo mẫu với những hành vi tàn độc đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “hạnh hạ người khác”. Một hình phạt dù nghiêm minh đến đâu cũng chưa chắc có thể làm nguôi ngoai sự tức giận của các ông bố, bà mẹ và quan trọng hơn là không thể bù đắp sự tổn thương về mặt thể xác lẫn tinh thần đối với những trẻ em bị bạo hành.
Điều đáng nói là hình phạt trên chỉ xảy ra khi những hình ảnh phản ánh bạo hành trẻ em được người dân và báo chí phanh phui. Sau câu chuyện này, rất nhiều biện pháp cũng đã được các cơ quan chức năng đã thực hiện ngay sau đó - những biện pháp mà lẽ ra đã phải thực hiện từ trước đây rất lâu.
‘ Hình ảnh 2 bảo mẫu bạo hành trẻ em (Ảnh: Cắt từ clip Báo Tuổi trẻ)
Trước sự việc, về phía UBND quận Thủ Đức đã thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc buông lỏng việc giám sát. Tuy nhiên, người dân đang đặt ra câu hỏi: Liệu có quá muộn hay không khi các cơ quan chức năng ngay tại địa phương không phải là người phát hiện ra những vụ việc tàn nhẫn như thế này? Và nhất là trước đây đúng một tháng, cũng đã từng xảy ra vụ việc một cháu bé 18 tháng tuổi cũng ngụ tại địa bàn này tử vong vì bị người giữ trẻ bạo hành.
Ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức nói: “Để xảy ra sự việc trẻ bị bạo hành vừa qua, trước hết là trách nhiệm của quận, trong việc điều hành cơ sở chưa chặt. Thứ hai là trách nhiệm của phường do quản lý lỏng, thiếu kiên quyết”.
Nói về trách nhiệm của mình, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã cho rằng, do cơ sở Phương Anh là cơ sở hoạt động không phép, là nhóm trẻ giữ mầm non tự phát, nên việc quản lý chính là thuộc về phía địa phương. Sau câu chuyện này cũng đã có hàng loạt những biện pháp đã được các cơ quan có trách nhiệm đề xuất như: kiên quyết rà soát các cơ sở giữ trẻ, có hệ thống kiểm soát thường xuyên, khu chế xuất, khu công nghiệp phải có khu vực dành cho việc giữ trẻ, quy hoạch hệ thống trường lớp…
Không thể phủ nhận việc can đảm nhận trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đến việc trẻ bị bạo hành vừa qua; cũng không thể không nhắc đến áp lực gia tăng dân số đang đè nặng lên các ngành các cấp không chỉ của riêng ngành Giáo dục tại TP.HCM. Tuy nhiên, nếu biện pháp cứ mãi là lời nói, thì những câu chuyện đau lòng ở quận Thủ Đức, TP.HCM sẽ không phải là điểm dừng. Và người dân, nhất là dân nghèo, tiếp tục nơm nớp lo sợ khi gửi con ở các điểm giữ trẻ tự phát.
Quý vị có thể theo dõi thêm nội dung qua VIDEO chi tiết dưới đây: