Những ngày đầu tháng 5/2017, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã không còn được theo dõi các trận đấu kể từ vòng bán kết lượt về của giải bóng đá Champions League - Cúp C1 châu Âu và Europa League trên các kênh quảng bá lẫn hệ thống truyền hình trả tiền của Đài Truyền hình Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều trang báo điện tử và đơn vị truyền thông của Việt Nam đã vi phạm bản quyền, tự ý lấy và phát hình ảnh giải đấu từ VTVCab, khiến đối tác quốc tế đã quyết định ngừng hợp tác với VTVcab.
Tuy nhiên, không chỉ ở riêng mảng thể thao, lâu nay, các chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất cũng bị nhiều đơn vị truyền thông vi phạm bản quyền, đặc biệt nghiêm trọng trên nền tảng số.
Rất đơn giản, chỉ mất vài giây thao tác, một vị khán giả đã có thể xem lại được các tập của bộ phim "Người Phán xử" do VTV sản xuất. Trang web này còn tuyên bố: "Phim được chiếu trên website vào lúc 21h40, thứ 4, thứ 5 hàng tuần. Bản đầy đủ HD sẽ được cập nhật sau đó vài giờ". Hiện nay, đã có gần 1 triệu lượt xem phim trên trang web này. Đây chỉ là một trong số hàng trăm website, ứng dụng di động trang Facebook, Youtube cá nhân đang ngang nhiên vi phạm bản quyền các chương trình của VTV để thu lợi bằng cách chèn thêm quảng cáo khi phát phim.
Trong kết luận thanh tra của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cách đây 2 năm, khi đó, Công ty Cổ phần Bạch Minh, tên gọi tắt là VEGA đã sử dụng trái phép gần 140 chương trình phát sóng thuộc quyền sở hữu của Đài Truyền hình Việt Nam. Thế nhưng, đó chỉ là một con số rất nhỏ ở thời điểm thanh tra. Theo thống kê, đơn vị này đã xâm phạm bản quyền hơn 2.300 chương trình của VTV nhằm thu lợi bất chính. Việc này diễn ra liên tục trong nhiều năm.
Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp tên tuổi, có hiểu biết pháp luật, có hàng triệu khách hàng cũng cố tình xâm phạm bản quyền các chương trình của VTV. Có những đơn vị sử dụng trái phép đến 11.000 chương trình.
Mặc dù VTV đã nhiều lần gửi công văn, bằng chứng vi phạm để yêu cầu chấm dứt những sai phạm nhưng các đơn vị này đều phớt lờ. Thậm chí, mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn.
VTV đang là nạn nhân bị xâm phạm bản quyền lớn nhất ở Việt Nam. Điều này không chỉ gây tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng uy tín của VTV với các đối tác. Còn khán giả cũng sẽ là người bị thiệt hại khi có thể không được theo dõi những chương trình có chất lượng tốt, do đối tác không ký hợp đồng vì lo ngại về bản quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!