Bảo tồn, phát triển loài, đa dạng sinh học và tăng diện tích che phủ rừng hiện có lên mức 42% vào năm 2020 là mục tiêu mà ngành Lâm nghiệp Việt Nam đặt ra trong năm 2019. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác này.
Hai chú Voi có tên June và Gold được cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Don cứu hộ đưa về đây chăm sóc, hiện cả hai đã trưởng thành, khỏe mạnh.
Vườn Quốc gia Yok Don có diện tích khoảng 115.500 ha, có nhiều loại gỗ có giá trị cao. Hệ sinh thái rừng đa dạng là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ như voi, bò rừng, nai…
Những năm trước, hiện tượng voi chết, voi di chuyển, thậm chí voi rừng về phá nương rẫy do thay đổi sinh cảnh sống, hoạt động săn bắt của con người thường xảy ra, gây ra áp lực lớn cho công tác bảo vệ rừng. Thời điểm nông nhàn và dịp trước, sau Tết Nguyên đán là thời gian phải tuần tra nghiêm ngặt.
Với tất cả các loài động vật thuộc nhóm thú lớn, nguồn thức ăn, sinh cảnh sống là vô cùng quan trọng. Vì thế, để bảo vệ tốt diện tích rừng, nơi cư trú của các loài và hệ thực vật, nhiều địa phương khác cũng đẩy mạnh thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm phát hiện, bổ sung và bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, cùng với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành lâm nghiệp là tăng diện tích và nâng cao độ che phủ rừng, năm 2019, một chuỗi chương trình để bảo tồn loài voi châu Á trên toàn quốc, trong đó, Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk thực hiện trong 3 năm, từ tháng 1/2019, sẽ là một trong những nỗ lực nhằm bảo tồn loài có nguy cơ cao tuyệt chủng tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!