Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN, đã trân trọng trao cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "chiếc búa quyền lực" của nước Chủ tịch ASEAN. Như vậy, từ ngày 1/1 - 31/12/2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò nước Chủ tịch ASEAN.
Bày tỏ vinh dự tiếp nhận vai trò nước Chủ tịch ASEAN sau nhiệm kỳ thành công tốt đẹp của Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là nền tảng thuận lợi để Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm sau, một năm có ý nghĩa quan trọng đối với cả ASEAN và Việt Nam - năm đánh dấu 5 năm hình thành cộng đồng ASEAN. Thủ tướng nêu rõ, trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cũng chính nhờ gắn kết bền vững mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động, hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia đang hàng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.
Như vậy, đây là lần thứ 3 Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN, kể từ khi trở thành thành viên của Hiệp hội này vào năm 1995. Hai lần trước là vào năm 1998 và 2010. Đặc biệt năm 2020, tròn 25 năm Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Để hoàn thành được trọng trách này, từ cách đây gần 1 năm, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã được thành lập và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ là Năm Chủ tịch ASEAN 2020 phải thành công về nội dung, thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và thành công về quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại lễ chuyển giao vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đảm nhiệm trọng trách này sau nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2019 thành công của Thái Lan. Đó là ASEAN đã gắn kết hơn trong xử lý các vấn đề với các nước lớn, cũng như những vụ việc nghiêm trọng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam. Điển hình, như tại các hội nghị cấp cao lần này, lãnh đạo các nước đều chia sẻ và ủng quan điểm thẳng thắn, chân thành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến những hành vi gần đây trên Biển Đông, tuy mới chấm dứt nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế và trong vấn đề Biển Đông.
Tại các hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định hòa bình, ổn định phải là mục tiêu chung, còn đối thoại, hợp tác phải là công cụ chính, điều kiện tiên quyết để có được hòa bình, ổn định là duy trì một trật tự, trong đó hành vi của mỗi quốc gia và các mối quan hệ phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các ASEAN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, đồng thời thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi cùng với tích cực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện được tinh thần hợp tác mới là cùng nhau thượng tôn pháp luật, xây dựng Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng. Những lập trường và quan điểm của Việt Nam đã được hầu hết lãnh đạo các nước chia sẻ và ủng hộ qua các phát biểu rất mạnh mẽ. Các Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ và ASEAN với Trung Quốc đều bày tỏ quan ngại về tình trạng cải tạo đất đai, các hoạt động làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này được coi là thành công nhất trong mấy năm gần đây. Kết quả này cho thấy ASEAN tiếp tục là diễn đàn để Việt Nam và các nước Đông Nam Á đối thoại với các nước lớn và đưa ra quan điểm tập thể về những vấn đề liên quan đến bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của một thành viên, một điều hết sức thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhưng cũng giữ gìn được nền hòa bình, an ninh cho cả khu vực. Bởi nếu thiếu đi một trong những yếu tố này thì mỗi nước thành viên cũng như ASEAN không thể phát triển. Những nhiệm vụ và thách thức này sẽ được Việt Nam gánh vác trong năm 2020, theo chủ đề gắn kết và chủ động thích ứng theo tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!