Tê giác đen châu Phi. (Nguồn: Internet)
Trong những năm gần đây, tình trạng săn bắn bất hợp pháp tê giác ở Nam Phi đã tăng đột biến. Năm 2007, có 10 tê giác bị bắn, nhưng đến năm 2011 đã có 448 con bị bắn trái phép. Còn ở Việt Nam, con tê giác cuối cùng đã bị bắn chết tại VQG Cát Tiên vào cuối năm 2010.
Việt Nam được coi là quốc gia trung chuyển sừng tê giác vào một số quốc gia ở châu Á. Chính vì vậy, Biên bản ghi nhớ về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học được ký kết là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt cho các nỗ lực liên chính phủ về bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như tê giác, voi.
Trước khi ký kết bản ghi nhớ hợp tác này, Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã. Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các quốc gia, các tổ chức môi trường quốc tế như WWF tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật sừng tê giác và các loài thuộc Phụ lục CiTes qua các cửa khẩu, đặc biệt là đối với các chuyến hàng từ châu Phi về Việt Nam.