Thông tin này được ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc cơ quan CITES Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại lễ hưởng ứng Ngày Tê giác thế giới 22/9. Trong số các vụ vận chuyển, mua bán trái phép bị phát hiện có 11 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác vào Việt Nam, chủ yếu qua đường hàng không và 4 vụ buôn bán sừng tê giác trong nội địa.
Riêng trong nửa đầu năm 2012, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã bắt giữ hai vụ vận chuyển, mua bán trái phép sừng tê giác, tịch thu 20kg sừng tê giác. Bên cạnh việc vận chuyển, mua bán trái phép sừng tê giác, trung bình mỗi năm (từ năm 2006 đến nay), Việt Nam nhập hợp pháp 10-30 mẫu vật tê giác dưới hình thức mẫu vật săn bắn.
Báo cáo mới đây của Mạng lưới giám sát buôn bán động-thực vật hoang dã (TRAFFIC) cho thấy, Việt Nam là quốc gia có số lượng vụ phạm tội liên quan đến tê giác ở Nam Phi lớn nhất châu Á và là thị trường lớn tiêu thụ sừng tê giác.
Tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng cho biết, Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác hàng đầu thế giới do nhu cầu dùng làm thuốc chữa bệnh.