Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ trên phạm vi cả nước để có câu trả lời với người dân về kết quả phòng, chống tham nhũng. Trả lời phỏng vấn tờ Đại đoàn kết, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc làm này là cần thiết vì lâu nay khi vụ việc nào bị phát hiện mới đi thanh tra nhà nước, thanh tra công vụ. Qua rà soát tổng thể, những quyết định nào không đúng phải thu hồi và xử lý những người có trách nhiệm liên quan. Thời gian qua, việc xử lý người đứng đầu rất ít, chủ yếu là rút kinh nghiệm.
Hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ lâu nay được báo chí nói nhiều. Báo Nhân dân đã đề cập tới những sai phạm cụ thể trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý ở 6 địa phương trong 3 năm trở lại đây mà Thanh tra Bộ Nội vụ đã công bố.
Báo Nhân dân: Kiên quyết xử lý sai phạm trong tuyển dụng
Cụ thể tại Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Lai Châu, Yên Bái và Gia Lai, thanh tra đã phát hiện việc tổ chức thi tuyển công chức chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa cho những người đã được "chấm" từ trước. Trong bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, các kết luận thanh tra đã chỉ ra 1 vi phạm chung là bổ nhiệm công chức lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Thậm chí, có cả việc bổ nhiệm một Phó Giám đốc Sở Y tế khi chưa thực hiện các quy trình xét chuyển người này từ viên chức thành công chức.
Báo Đại biểu nhân dân: "Chưng cất" lại toàn bộ công chức, viên chức
Trên báo Đại biểu nhân dân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân chỉ ra một thực tế là, trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, tỷ lệ cán bộ, công chức là con cháu, bạn bè gửi gắm, "đánh trống ghi tên" khá phổ biến. Với tình hình hiện nay, nếu không quyết liệt tinh giản biên chế thì không ngân sách nào có thể chịu nổi. Do đó, phải thực hiện một cuộc "chưng cất", sát hạch lại toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, kiên quyết loại khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc.
Về đề nghị tổng kiểm tra bổ nhiệm cán bộ của Ủy ban Tư pháp, ngay lập tức, đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội.
Pháp luật TP.HCM: Ủng hộ tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường trả lời tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hiện tượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên không chỉ phổ biến ở địa phương mà cả ở một số Cục, Vụ thuộc các Bộ, ngành. Thế nên, có việc từ cấp nhân viên qua 5-6 tầng nấc trung gian mới tới ông Bộ trưởng. Điều này không đúng với chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, rà soát cán bộ, trước tiên phải tập trung vào các đối tượng hiện đang bị tố cáo, tố giác về vấn đề bằng cấp, học hàm, học vị. Tiếp đến là các đối tượng có dấu hiệu làm trái, vi phạm điều lệ Đảng, điều lệ của tổ chức, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhóm thứ ba là nhóm quy hoạch vào các chức vụ cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!