Đầu năm 2016, Đại học Hùng Vương đã phải thay đổi ban quản trị. Tiếp đó, ít nhất 20 giảng viên thuộc Đại học tư thục Tân Tạo ký vào đơn khiếu nại gửi lên Bộ Giáo dục & Đào tạo vì cho rằng lãnh đạo trường này có biểu hiện không minh bạch thu chi tài chính, có những khoản học phí vô lý.
Mới đây nhất là Đại học Hoa Sen đã thay đổi toàn bộ ban quản trị do những lùm xùm liên quan đến quyền lợi. Vấn đề đặt ra sau các vụ việc trên là tại sao nhiều trường tư thục phát sinh mâu thuẫn như vậy?
Theo luật sư Nguyễn Bá Sơn, việc phát triển mô hình đại học tư thục là tất yếu. Tuy nhiên, nếu coi đại học tư thục như một doanh nghiệp cổ phần sẽ rất dễ nảy sinh các vấn đề nội tại của một doanh nghiệp như chia cổ tức, lợi nhuận và cả hoạt động thâu tóm.
Thực tế, Chính phủ cũng đã có những quy định rất cụ thể đối với các hoạt động của các trường tư thục theo quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014. Theo đó, đối với các trường đại học không vì lợi nhuận, việc chia cổ tức có lãi suất cao nhất bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ và tài sản phát sinh trong quá trình hoạt động là tài sản chung không chia. Việc xây dựng các trường tư thục không vì lợi nhuận cũng có thể sẽ được xem xét trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!