Trưng bày 150 hiện vật về cải cách ruộng đất

Kiều Anh - Văn Tùy-Thứ hai, ngày 08/09/2014 17:15 GMT+7

Hình ảnh con trâu gắn liền với người nông dân. Ảnh: VNN

Sáng 8/9, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã khai mạc triển lãm Trưng bày chuyên đề về cải cách ruộng đất 1946-1957.

Với gần 150 ảnh tư liệu, hiện vật quý hiếm lần đầu tiên được trưng bày, triển lãm giúp người xem có cái nhìn toàn diện về nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất và công cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam giai đoạn 1946-1957.

Lần đầu tiên, một đề tài vốn chỉ được nhắc đến trong các hội thảo khoa học - nay đã trở thành chủ đề của một trưng bày tới công chúng. Ông Lê Nguyên Thống, Cán bộ nghỉ hưu, Bộ Tư lệnh cảnh vệ chia sẻ: “Cái tích cực nhất là nhà tôi đã có ruộng. Trước cải cách, cả nhà tôi bố mẹ tôi đi làm thuê. Thứ hai là được chia nhà, chia trâu bò, chia ruộng, chia nồi niêu xoong chảo, cả giường chiếu... đó là sự thật”.

Trong số các hiện vật và tư liệu gốc được trưng bày, nhiều hiện vật quý vốn là đồ dùng sinh hoạt, của cải của tầng lớp địa chủ trước cải cách ruộng đất, nhiều tư liệu liên quan đến chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất cũng được giới thiệu.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khẳng định: “Cuộc cải cách ruộng đất không chỉ mang lại cho người nông dân, người cày có ruộng, mà còn là một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh về hệ tư tưởng giữa việc xóa bỏ giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột, giữa việc xóa bỏ hệ tư tưởng phong kiến sang hệ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Và đồng thời cũng thống nhất và giải phóng được năng lực lao động, lực lượng sản xuất và quyền sở hữu tư liệu lao động sản xuất để nhân dân thực sự làm chủ và đóng góp hết sức tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó”.

Bên cạnh những thành tựu đạt được do cải cách ruộng đất mang lại, những sai lầm khuyết điểm trong quá trình cải cách ruộng đất cũng được Đảng thẳng thắn nhìn nhận công khai. Việc Đảng đã dũng cảm nhìn nhận sự thật đã có ý nghĩ rất lớn đối với xã hội Việt Nam lúc đó.

Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Nga, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: “Ngay thời điểm có sai lầm chúng ta đã nhận ra rất sớm, chúng ta đã có những sửa chữa rất quan trọng. Tôi chú ý đến sự kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 10, Hội nghị đã đưa ra những quan điểm sửa sai vô cùng quan trọng và triệt để. Tôi cho rằng về cơ bản đã sửa sai kịp thời để ổn định tình hình chính trị nông thôn thời kỳ đó”.

Triển lãm chuyên đề "Cải cách ruộng đất 1946-1957" là một hoạt động góp phần tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn hơn về cuộc cách mạng ruộng đất những năm 1946-1957. Triển lãm sẽ diễn ra đến hết tháng 12/2014.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước