Trừ sóng thần, Việt Nam gánh chịu đủ loại hình thiên tai

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 03/10/2017 17:54 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần.

Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tàn suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Tính chung trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng, chiếm 1-1,5% GDP.

Lũ quét và sạt lở đất ở nước ta có xu thế tăng trong giai đoạn 1990 - 2017. Theo thống kê, năm 2014, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc làm 19 người chết và mất tích nhưng đến năm 2017 con số này đã tăng lên là 49 người.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Việt Nam đã có những phương án phòng chống thiên tai tương đối hiệu quả.

Trong báo cáo thực trạng tác động của lũ quét, lũ ống và định hướng cho công tác phòng chống tại Việt Nam, ông Trần Quang Hoài nêu rõ cả những mặt tích cực và hạn chế. Cụ thể, tính đến tháng 5/2017, 63/63 tỉnh, thành xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng". Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là thiếu kinh phí để triển khai đề án tại địa phương và hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng chưa cao.

Trừ sóng thần, Việt Nam gánh chịu đủ loại hình thiên tai - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai trình bày tại hội thảo.

Về công tác cảnh báo, dự báo, các đơn vị dự báo đã tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo đến cấp huyện. Trong đó, Đài THVN cũng là một trong những đơn vị có các bản tin dự báo, cảnh báo với tấn suất và độ phủ rộng nhất. Tính đến tháng 9/2017, có 79 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh được xây dựng. Mặc dù vậy, độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế, phạm vị rộng. Số lượng các trạm đo chuyên dùng còn rất ít, mật độ thưa.

Đến hết năm 2016, đã xây dựng bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/50.000 cho 14 tỉnh; bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất tỷ lệ 1/50.000 của 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Tuy nhiên, tỷ lệ bản đồ quá nhỏ không thể hiện rõ, chưa cảnh báo được vùng nguy cơ cao khi có tình huống mưa lớn, mới chỉ cảnh báo trên diện rộng.

Tại hội thảo "Thảm họa thiên tai - lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó" ở Hà Nội ngày 3/10 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức, ông Junichiro Kurokawa - Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho rằng, hoạt động đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai là rất quan trọng.

Trừ sóng thần, Việt Nam gánh chịu đủ loại hình thiên tai - Ảnh 2.

Ông Junichiro Kurokawa - Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho hay, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai là cần thiết.

Khi xem xét các giải pháp cần tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, lượng mưa và vận dụng trong giải pháp khoa học để cảnh báo sớm. Ngoài ra, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai, phục hồi, đưa ra các cảnh báo sớm là cần thiết.

Chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ông Hirotada Matsuky - Giám đốc Bộ phận quan hệ quốc tế, Phòng Quy hoạch sông ngòi, Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết, Nhật Bản rất chú trọng công tác này. Chi phí đầu tư cho phòng ngừa, nghiên cứu và phát triển chiếm tỷ lệ rất lớn trong đầu tư cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai chủ yếu do địa phương thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ để phát triển bền vững ở cấp địa phương/quốc gia. Địa phương chịu trách nhiệm chính trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và người dân. Trung ương có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính.

Trừ sóng thần, Việt Nam gánh chịu đủ loại hình thiên tai - Ảnh 3.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu đã báo cáo và phân tích về các vấn đề rất được quan tâm như hiện trạng nghiên cứu lũ quét hiện nay, những thách thức đặc ra, cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng công tác ứng phó, ra quyết định; danh mục các khu vực nguy hiểm rủi ro lũ quét. Cùng với đó, các đại biểu được lắng nghe tham luận của 2 đại biểu đến từ Yên Bái và Sơn La - những tỉnh đã thường xuyên hứng chịu sự tàn phá của lũ quét, sạt lở đất. Hội thảo lần này đã nhận được nhiều chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống rủi ro thiên tai liên quan đến nước, các công nghệ mới trong cảnh báo lũ quét, cũng như cách thức chia sẻ thông tin trong cảnh báo sạt lở đất đến từ các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Nhật Bản và một số đại diện tham gia triển lãm thiết bị đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, để giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững.

Trừ sóng thần, Việt Nam gánh chịu đủ loại hình thiên tai - Ảnh 4.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, để giảm thiểu thiên tai cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững.

"Cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, trong đó cần ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trị tiềm năng xảy ra nguy cơ. Cùng vơi sđó, cần ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đưa thông tin kịp thời tới vùng sâu, vùng xa.

Chúng ta cần có chính sách định canh, chuyển đổi phát triển kinh tế vùng miền núi nhằm giảm phá rừng; có đề án di dời dân cư phòng tránh thiên tai Đặc biệt, cần đào tạo và tăng cường nhận thức cho chính quyền các cấp và lấy người dân làm trung tâm và phải có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi", Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kết lại.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước