Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để như ở tỉnh Thanh Hóa.
Những chiếc thuyền hút cát không có bất kỳ một giấy tờ nào, không có hồ sơ thiết kế như quy định về đăng kiểm. Nó được đóng theo ý của các chủ thuyền nhưng vẫn hoạt động hàng ngày trên các con sông lớn của tỉnh Thanh Hóa. Điều khiển những chiếc thuyền này phần lớn là những thanh niên có tuổi đời khá trẻ, đặc biệt họ lại không hề có bằng lái hay chứng chỉ chuyên môn.
Những chiếc tàu hút cát không đăng ký, đăng kiểm vẫn ngang nhiên hoạt động tại Thanh Hóa.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.600 phương tiện thủy nội địa hoạt động nhưng 43% phương tiện trong số đó không đăng ký, đăng kiểm. Phần lớn là tàu thuyền cỡ nhỏ của người dân lao động. Họ chưa có nhận thức đầy đủ về việc cần thiết phải đăng ký, đăng kiểm để xác lập quyền sở hữu và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Tính đến năm 2015, cả nước có hơn 240.000 phương tiện đường thủy, tuy nhiên chỉ có 62% số phương tiện trên được đăng kiểm. Đã có nhiều chiến dịch tổng kiểm tra, rà soát, tập huấn cho các địa phương tăng cường công tác quản lý đăng kiểm, tuy nhiên, tình hình chưa được cải thiện nhiều bởi phần lớn những người vi phạm là dân lao động nghèo.
Nếu không có những giải pháp dạy nghề, tạo sinh kế song song với tăng cường kiểm soát, về lâu dài, việc quản lý đăng kiểm sẽ vẫn chưa triệt để, vì đằng sau đó là nguy cơ mất an toàn cho người dân như nhiều tai nạn đường thủy nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây.
Về nguyên nhân các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm kéo theo mối nguy hiểm về tai nạn giao thông đường thủy, Đại tá Lê Văn Chiến, trưởng phòng cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng hiện còn quá nhiều điều bất cập trong công tác đăng ký và đăng kiểm khiến người dân không mặn mà với việc này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!