Trắc trở con đường rau sạch tới thị trường

Quý Thông-Thứ bảy, ngày 26/01/2013 12:00 GMT+7

Nhiều người nội trợ đã thay đổi thói quen mua thực phẩm.

Lo ngại về tình trạng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, hoa quả, nhiều người đã thay đổi thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, rau sạch lại chưa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi.

Nhiều bà nội chợ, từ nửa năm nay đã bỏ thói quen mua thực phẩm ngoài chợ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho gia đình. Họ chỉ tin tưởng mua các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi sống từ những cửa hàng bán thực phẩm sạch có uy tín.

Chị Phạm Lan Hương, Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Rau ở ngoài chợ mình mua về, luộc lên rất dai, ra nhiều nước, mọi người bảo như thế là phun quá nhiều thuốc sâu. Hay rau muống mua ngoài chợ lúc luộc lên thường bị thâm, như vậy là quá nhiều chì. Khi mua rau ở những cơ sở an toàn về ăn khác hẳn, nước trong xanh hơn nhiều”.

Chị Đinh Thị Hà, Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết: “Bây giờ mua rau ở ngoài chợ tôi thấy cũng không được yên tâm lắm, bởi không có nguồn gốc xuất xứ rõ rang và khó có thể kiểm tra được. Rau là thực phẩm thiết yếu trong gia đình, lúc nào trong bữa ăn cũng phải có rau. Khi mua về rồi, trước đấy người ta có phun thuốc không mình cũng không thể biết được”.

Tuy nhiên thực tế không phải tất cả thực phẩm, nông sản bán ở những cửa hàng thực phẩm nông sản cũng đều đạt tiêu chuẩn. Đã có nhiều trường hợp vì muốn trục lợi mà nhân viên đã mang hàng chợ vào trà trộn bày bán như hàng sạch. Cũng cần phải nói, nhiều người tiêu dùng cũng không để ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ cần túi có nhãn mác là yên tâm.

Chị Lê Ngọc Khanh, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Thực ra tôi cũng không rõ lắm, cứ thấy cửa hàng bầy bán rau đề là sạch, túi có mác, chữ đầy đủ thì vào mua chứ cũng không quan tâm đến nguồn gốc”.

Sau 4 năm chuẩn bị, đầu năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chuẩn Vietgap để kiểm nghiệm chất lượng cho các loại nông sản, thực phẩm tươi sống được bầy bán ở các cửa hàng, siêu thị. Điều này có thể giúp người dân có thể tin tưởng tuyệt đối trước những sản phẩm nông sản được bầy bán. Các loại nông sản đạt chất lượng sẽ được theo dõi từ lúc gieo trồng tới lúc đến được với người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng bộ NN & PTNT cho biết: “Việc dán nhãn xanh cho sản phẩm nông sản sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ việc chứng nhận vùng nuôi an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm đến quá trình sản xuất, vận chuyển lưu thông.. tất cả đều xanh và sạch, sau đó sẽ dán mác chứng nhận. Như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng những sản phẩm này và có cách phân biệt với các loại sản phẩm khác”.

Mô hình vườn rau sạch Vietgap do mới chỉ đưa vào thí điểm nên chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Quy mô sản xuất còn manh mún. Nếu nhà nước không có sự hỗ trợ kết nối từ các hộ sản xuất đến nhà phân phối, đương nhiên sản phẩm không thể cung cấp cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cục quản lý nông lâm thủy sản, Bộ NN & PTNT khi nói tới trách nhiệm hỗ trợ của tổ chức cho các hộ nông dân đã cho biết: “Chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ cho các hộ sản xuất, mà cụ thể sẽ gộp nhiều hộ lại thành hợp tác xã, như vậy vừa có thể làm tập trung, vừa có thể nâng cao...”

Nhu cầu tiêu dùng rau sạch trên thị trường là rất lớn, nhưng nếu không được mở rộng thị trường hơn nữa để đảm bảo lợi nhuận thì người nông dân khó mà ứng dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn sản xuất sạch và an toàn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước