Trong khi Sở GTVT TP.HCM loay hoay với thực trạng “tiền chi ào ào, ngập vẫn ngập”, ở một phường ven sông thuộc Q.Thủ Đức, nhiều năm qua người dân đã “lắp van ngăn triều” theo kinh nghiệm dân gian.
Người dân ở đây đã sáng tạo từ kinh nghiệm dân gian, thay thân dừa bằng những ống cống bê tông và van gỗ bằng những miếng thép sắt. Nhờ vậy, nước triều đã hạn chế chảy vào khu phố và khi có mưa, nước cũng rút rất nhanh. Mỗi gia đình ở đây cùng nhau đóng góp từ 500.000 - 2.000.000 VND để thực hiện ý tưởng chống ngập này.
Theo ông Cao Tiến Khắc - Tổ trưởng tổ dân phố 23A Khu dân cư Thành Ủy, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, từ khi có sáng kiến này, dân bớt khổ hơn trong khi chi phí đầu tư chỉ có hơn 100 triệu VND.
Tuy nhiên, ông Phạm Sanh - Chuyên gia giao thông TP.HCM cho rằng: “Sáng kiến của người dân rất hiệu quả. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, trên diện tổng thể toàn thành phố phải có giải pháp mang tính chiến lược và đầu tư bài bản”.
Hiện nay, toàn thành phố có đến 280 điểm ngập do triều cường. Dự kiến, để chống ngập triệt để cho thành phố cần phải có 10 tỷ USD.
Trong thời gian qua, các dự án chống ngập mà thành phố đã thực hiện được ước tính khoảng 2 tỷ USD. Vậy 8 tỷ USD còn lại sẽ lấy từ nguồn nào? Nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền chi cho chống ngập khoảng 100 triệu USD/năm như hiện nay, 80 năm nữa TPHCM mới hết ngập nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách hợp lý.