Đề án vé xe bus thông minh đã được duyệt từ 4 năm trước nhưng chưa hiện thực hóa đã rơi vào lạc hậu bởi công nghệ phát triển rất nhanh với các hình thức thanh toán bằng điện thoại, ví điện tử nên dự án được yêu cầu đánh giá lại là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, mấu chốt là đánh giá lại rồi, liệu có rơi vào bài toán luẩn quẩn như trước đó hay không, nhất là khi TP.HCM đã có nền tảng khá tốt, chẳng hạn như hệ thống nhà chờ xe bus thông minh trị giá 8 tỷ đồng, trung tâm giao thông công cộng theo hướng thông minh, phần mềm BusMap…
Theo TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, tuy TP.HCM đã có 1 số nền tảng cơ bản để làm xe bus thông minh, nhưng lại thiếu sự đồng bộ giữa các yếu tố này. Vì vậy, đừng nói đến chuyện đồng bộ giữa xe buýt thông minh với tàu điện ngầm và các phương tiện khác mà trước hết, ngay cả việc đồng bộ hóa hệ thống xe bus hiện hữu cũng đã là 1 vấn đề.
TS Mai cũng cho rằng, TP.HCM khởi động lại đề án xe bus thông minh lúc này không chậm mà đúng thời điểm. Nếu làm trước bus thông minh, 1 vài năm nữa cũng sẽ phải thay đổi khi tàu điện ngầm đi vào hoạt động.
Còn TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý TP.HCM thì nhấn mạnh, để triển khai được bus thông minh cần làm lại vé điện tử liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng. Muốn vậy, cần hợp chuẩn tất cả các công nghệ đang áp dụng trên mọi loại hình vận tải theo một thông số kỹ thuật chung. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn.
Các chuyên gia tin tưởng, nếu đủ quyết tâm, TP.HCM có thể hoàn thành đề án xe bus thông minh chỉ trong 1-2 năm. Và nếu làm tốt, đề án này sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ lượng người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để đến với vận tải công cộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!