Hiện trường sạt lở ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. (Ảnh: VOV)
Trong 50 điểm sạt lở tại TP.HCM, có 30 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm có thể gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân trong khu vực. Tại các phường 25, 26, 27, 28, quận Bình Thạnh (bán đảo Thanh Đa), có hơn 10 điểm sạt lở nhưng người dân vẫn không di dời.
Khu Quản lý đường thủy nội địa cho biết, khu vực đất ở đây bị lở hàm ếch, lượng đất bồi chênh lệch so với nền đất cũ gần 1m nên sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc bán đảo Thanh Đa tiếp tục sạt lở còn có nguyên nhân chủ quan từ việc chậm thực hiện dự án chống sạt lở. Dự án này đã được bắt đầu từ tháng 8/2014 nhưng vẫn chưa hoàn thành. Theo quy hoạch, các đoạn kè sẽ bảo vệ 150ha vùng đất ven sông, ổn định hệ thống kênh quận Bình Thạnh và hơn 700ha đất sẽ hưởng lợi gián tiếp.
Tại các vị trí sạt lở, đơn vị đã lắp đặt biển hiệu cảnh báo và phối hợp với các địa phương trong việc thông báo, vận động người dân di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Từ đầu năm 2016 đến nay đã phát sinh thêm 3 điểm sạt lở mới tại khu vực rạch Giồng Ông Tố (Quận 2), cầu Tân Thuận 1 (Quận 4) và bờ hữu sông Sài Gòn thuộc xã An Phú, huyện Củ Chi.
Theo một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, khó khăn hiện nay vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.