Trong suốt tuần qua, báo chí đã có nhiều bài viết về Tổng Bí thư Trường Chinh trước khi Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông được tổ chức trọng thể tại quê hương ông, Nam Định. Trong nhiều bài viết đăng trên các báo ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh- Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một dấu ấn quan trọng của ông đối với cách mạng, với đất nước, có một thông điệp chính đó chính là hình ảnh "Tổng Bí thư của đổi mới".
Theo đó, báo Tiền phong đã dẫn lời ông Võ Đại Lược, thành viên nhóm nghiên cứu của Tổng Bí thư Trường Chinh kể lại: "Đầu thập niên 80, kinh tế- xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo bị giảm sút. Tình hình lúc đó rất xấu, tuy nhiên, muốn đổi mới, xoá bỏ cơ chế cũ thì phải có mô hình mới. Phải có người khởi xướng, cầm trịch, và người đó chính là ông Trường Chinh"
Khi các cơ quan soạn thảo Dự thảo văn kiện để trình ra Đại hội VI theo quan điểm cũ, tức là nặng về tính kế hoạch, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhóm nghiên cứu nhận thấy dự thảo còn xa mới thể hiện được các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, nên khi chủ trì cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị bàn về các quan điểm kinh tế, ông đã đi đến mấy nhận định cơ bản là, cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp không còn phù hợp cần phải xoá bỏ và chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, cho phép kinh tế tư nhân phát triển.
Trong bài viết "Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của Cách mạng Việt Nam" mà nhiều tờ báo đăng toàn văn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã viết: Với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén, bám sát thực tiễn, sâu sát tình hình ở địa phương, cơ sở, Tổng Bí thư Trường Chinh đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ đạo toàn Đảng "phải đổi mới tư duy, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp". Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt mang tính đột phá chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, trong đó đồng chí Trường Chinh với trọng trách Tổng Bí thư, là kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới.
Và tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh hôm 9/2 vừa qua đã khẳng định chính ông đã chủ động đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương đổi mới đất nước. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng, ông đã từng nói: "Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn".
Chính vì vậy tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh, Đảng, Nhà nước không chỉ coi ông là kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới mà còn khẳng định ông là người đề xuất và khởi xướng nên sự nghiệp này.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong những yếu tố trở thành nguyên lý của công cuộc đổi mới đất nước cách đây hơn 30 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị- Đó là dám nhìn thẳng vào sự thật và tuân thủ quy luật khách quan. Đây là yếu tố rất quan trọng mà một người lãnh đạo cấp cao như ông Trường Chinh đã thực hiện.
Muốn làm được như vậy, người đó phải vượt qua được nhiều yếu tố hay thấy ở người bình thường, như là sự tự ái, chỉ mong an toàn, chỉ mong sự thăng tiến, không dám dấn thân, không dám thay đổi tư duy. Tổng Bí thư Trường Chinh thay đổi tư duy vào thời điểm tuổi đã rất cao, phải nói đó là năng lực rất đặc biệt. Qua đó cũng thể hiện phẩm chất của ông trong tiến trình của công cuộc đổi mới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!