Trong hai ngày 14 - 15/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình. Trước khi làm việc với Ban Thường vụ và lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm một số cơ sở tại địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm nhân dân các dân tộc xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, nơi có 80% bà con dân tộc Mường sinh sống. Xã Phong Phú là một trong 4 xã của huyện Tân Lạc đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp và bộ mặt nông thôn phát triển bền vững. Cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc, nếu năm 2010, thu nhập của người dân mới chỉ có hơn 6,5 triệu đồng thì sau 6 năm, con số này đã tăng gấp 4 lần, trên 26 triệu đồng.
Tổng Bí thư trò chuyện thân mật với bà con địa phương. (Ảnh: Dân trí)
Thăm gia đình ông Bùi Văn Lon - một trong những hộ gia đình tại xóm Ải đang làm du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận sự năng động của chính quyền và người dân đã biết tận dụng những lợi thế, tiềm năng của địa phương, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn chuyển sang làm dịch vụ du lịch, dựa trên cơ sở giữ gìn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường, cũng như những ưu thế của cảnh quan thiên nhiên.
Một điểm nổi bật của xã Phong Phú cũng như huyện Tân Lạc là đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, hơn 2.000ha trồng bưởi ruột đỏ là cây có có giá trị cao, đồng thời chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái, rau sạch hữu cơ.Tổng Bí thư đánh giá cao những kết quả phát triển nông thôn mới của địa phương, đặc biệt là trong 19 tiêu chí đã rất chú ý gìn giữ các thiết chế văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc để làm nền tảng phát triển du lịch.
Tặng quà các hộ nghèo, Tổng Bí thư cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải luôn coi trọng việc bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, đùm bọc những người còn khó khăn với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt xã và huyện, Tổng Bí thư cho rằng để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cần năng động hơn nữa vì hiện nay vẫn còn gần 1/3 là hộ nghèo, nên thách thức còn rất nhiều.
Cũng trong chiều 14/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm một hộ gia đình trồng cam với diện tích trên 10ha tại huyện Cao Phong. Trong những năm gần đây, huyện Cao Phong đã xây dựng được thương hiệu cam Cao Phong với diện tích trên 6000ha, thu nhập người trồng cam đạt trung bình 650 triệu/ha. Cá biệt có gia đình áp dụng giống và công nghệ hiện đại nên với 10 ha đã cho lãi hơn 4 tỷ đồng.
Tổng Bí thư thăm vườn cam ở Hòa Bình. (Ảnh: Dân trí)
Sáng nay (15/5), làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Hòa Bình là một tỉnh miền núi nằm chuyển tiếp giữa vùng núi Tây Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với Thủ đô Hà nội, là một trong 9 tỉnh nằm trong vùng Thủ đô. Một trong những kết quả nổi bật của Hòa Bình là chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp khá nhanh và hiệu quả, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa cây ăn quả như: Cam Cao phong, bưởi ruột đỏ. Thậm chí, người dân đã làm giàu, có thu nhập hàng tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng, là động lực cho nhiều hộ gia đình.
Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu như cách đây 6 năm khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã chỉ đạt 4 tiêu chí thì hiện nay có đến 20% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với 19 tiêu chí và bình quân các xã đạt 12 tiêu chí.
Hòa Bình cũng là một trong những địa phương đã chú trọng hoạt động ở cơ sở, chỉ riêng năm 2016, đã giải quyết được 47 vấn đề bức xúc nổi cộm, tổ chức 59 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân qua đó tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, đại diện nhiều Bộ ngành cũng vẫn cho rằng, nền kinh tế của Hòa Bình vẫn còn nhỏ, cả tỉnh có 2.500 doanh nghiệp, trong đó chưa có những doanh nghiệp lớn tầm cỡ, thu ngân sách cũng mới chỉ hơn 3.000 tỷ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng mặc dù là tỉnh khó khăn, xuất phát điểm thấp, 75% là đồng bào dân tộc, nhưng những năm gần đây Hòa Bình có nhiều bước phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, tăng trưởng trên 7,6%, thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận và đánh giá cao sự năng động của Hòa Bình phát huy lợi thế tiềm năng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hợp lý, triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Nhấn mạnh một lợi thế của Hòa Bình là nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch này, tiếp thu những ý kiến của Bộ ngành trong cuộc làm việc ngày hôm nay để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch của địa phương. Tổng Bí thư ví dụ đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc Hòa Bình có lợi thế về núi đá vôi, từ điều kiện này có thể nghiên cứu đưa vào quy hoạch việc phát triển vật liệu xây dựng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trên nền quy hoạch tổng thể cần phải cân nhắc lựa chọn các lĩnh vực phát triển, phải có trọng tâm, trọng điểm, không nên rải mành mành. Điều quan trọng là phải luôn xác định phát triển bền vững lâu dài là yếu tố then chốt.
Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư cũng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải bảo đảm an ninh trật tự xã hội, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, phát huy bảo vệ các giá trị của văn hóa Mường. Về các kiến nghị của địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi để những dự án quan trọng của tỉnh Hòa Bình có thể triển khai thuận lợi phù hợp với quy hoạch của vùng của địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!