Tại Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào đầu tuần tới, hàng loạt cải cách về tiền lương sẽ được Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Cho đến thời điểm này, đây sẽ là lần thứ 5 vấn đề thực hiện cải cách tiền lương được đặt ra.
Ở 4 lần cải cách trước, đặc biệt là sau lần cải cách vào năm 2003, chính sách tiền lương đã từng bước được hoàn thiện và góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, đến nay cách trả lương mang tính bình quân, cào bằng đã lạc hậu so với sự phát triển của thị trường lao động. Đặc biệt, tiền lương chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động.
Ghi nhận tại huyện Đan Phượng, Hà Nội, theo bảng lương, ông Hữu Hoàng hiện đang giữ chức vụ là Chủ tịch Ủy ban nhân huyện được hưởng lương ở bậc 9, hệ số 4,98 và không có phụ cấp thu nhập vượt khung.
Là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính các công việc ở huyện nhưng lương của Chủ tịch lại thấp hơn nhiều cán bộ dưới quyền, đặc biệt là những người có nhiều thâm niên công tác.
Tiền lương chưa thể hiện được thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Mặt khác, cách trả lương bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở đã khiến cho tiền lương khu vực công hiện đang thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương và khiến cho khu vực này không thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc.
Qua 14 năm liên tiếp, Hà Nội đã vinh danh hơn 1.500 thủ khoa xuất sắc, nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 300 tài năng trẻ vào làm việc. Sau khi được tuyển, nhiều thủ khoa đã rời bỏ các cơ quan của thành phố vì lương không đủ sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!