Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công Thương vào sáng nay (15/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành Công Thương từ năm nay trở đi cần phải là ngành đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và cũng ngành đi đầu trong việc đưa ra các chính sách để giải phóng sức sản xuất của đất nước.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 trong bối cảnh, ngành vừa đạt được thắng lợi lớn. Đó là xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục, vượt mọi dự báo, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao. Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đạt được bước tiến quan trọng thông qua việc bán đấu giá hết sức thành công cổ phần của Vinamilk và Sabeco. Bộ này cũng tạo tiếng vang khi kiến nghị Chính phủ cắt giảm cùng lúc tới 675 điều kiện đầu tư và kinh doanh, đi cùng với dũng cảm, không sợ va chạm tự tái cơ cấu bộ máy khi thu gọn đơn vị đầu mối từ 35 xuống còn 30 và cắt giảm 72 phòng. Đánh giá về Bộ Công Thương một năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ dùng 4 chữ, vốn ít được dùng cho các bộ ngành khác đó là "toàn diện và xuất sắc". Đồng thời nhấn mạnh, nếu như như 2 năm trước đây, Bộ Công Thương đã vấp nhưng chưa ngã thì trong một năm qua, Bộ này đã bình tĩnh đứng dậy và uy tín được nâng lên. Ngành cũng đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đi tiên phong cắt bỏ các thủ tục hành chính.
Dành nhiều lời khen cho ngành Công Thương, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra 6 vấn đề mà ngành phải tập trung giải quyết. Dẫn câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn về thịnh suy của một quốc gia đó là: Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Công Thương vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển. Vì thế Thủ tướng đã đặt ra một loạt các câu hỏi với Bộ Công Thương đó là làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Làm sao các tỉnh đều đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch để thặng dư ngân sách. Làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam và làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đề nghị Bộ phải biến những câu hỏi của Thủ tướng thành hành động.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và tăng năng suất. Đối với nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước mà Bộ đang quản lý, Thủ tướng cho rằng mặc dù công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã có bước chuyển biến, với thương vụ nổi tiếng thế giới, song vẫn còn nhiều hạn chế vì thế, trong năm nay và các năm sau Bộ cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải hành động đầu tiên ở mọi cấp độ từ lãnh đạo bộ, cấp cục, vụ, đến các tập đoàn, tổng công ty trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu của ngành cao hơn các chỉ tiêu được ấn định trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đồng thời cho biết, Thủ tướng sẽ quy trách nhiệm cá nhân cho Bộ trưởng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nếu không hoàn thành được chỉ tiêu. Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay Chính phủ đã đưa ra phương châm "10 chữ", còn ngành công thương phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa".
Cùng với đề nghị Bộ cần có một chương trình hành động với tầm nhìn mới, sống động, quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu cán bộ các cấp, các ngành cũng như ngay Bộ Công Thương phải vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội, thậm chí biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!