Một trong những đặc điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo của ông chính là tư duy về đổi mới được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế chính trị đến văn hóa xã hội.
Những năm 70 của thế kỷ trước, khi đất nước vẫn đang trong thời kỳ bao cấp, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Phòng âm thầm thực hiện khoán sản phẩm, khoán ruộng đến từng hộ nông dân, thường được biết đến là “khoán chui”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đã về Đồ Sơn tìm hiểu, nghe báo cáo về hiệu quả của khoán trong nông nghiệp. Thủ tướng đã hoan nghênh nông thôn Hải Phòng đổi mới, đồng thời nhấn mạnh cái mới luôn luôn có khó khăn. “Mười phần mà làm tốt năm phần, hai phần vừa vừa và ba phần hỏng cứ mạnh dạn mà làm, dũng cảm mà làm, có sai thì sửa, không sai mới lạ”.
PGS. TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Những năm 1980, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản, một trong những rào cản đó chính là mô hình hợp tác xã. Các cơ sở địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồ Sơn, đã thực hiện việc khoán đến từng người lao động và hộ nông dân, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã lắng nghe báo cáo của người dân Đồ Sơn và quyết định việc khoán này phải được thực hiện ngay lập tức.
Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán và nhân rộng mô hình này. Trong giai đoạn trước và sau cải cách đổi mới, sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trở thành nguồn cổ vũ lớn đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ. Ngay từ những năm tháng này, Thủ tướng thường nhắc đến thuật ngữ "chiến lược con người" và chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và xu thế đổi mới, giữa văn hóa với các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội...
Năm 1994, ở tuổi gần 90, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tục viết cuốn sách "Văn hóa và đổi mới". Đây là hai mối quan tâm lớn, cũng là hai trong số những đặc điểm nổi bật của phong cách lãnh đạo Phạm Văn Đồng.
Những tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, cũng như những cống hiến cho nước nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!