Hồi đầu tháng 3 vừa qua, độ mặn cao nhất đo được lên tới 5.800mg/lít, cao gấp hơn 20 lần quy chuẩn cho phép và cao hơn mức kỷ lục năm ngoái. Tình trạng nhiễm mặn vẫn tiếp diễn ở mức cao đến giữa tháng 5 này.
Ngay từ đầu năm, TP Đà Nẵng đã cho xây dựng đập tạm ngăn mặn ở hạ nguồn sông Vu Gia, tuy nhiên, tới nay, cũng không làm giảm được độ mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia lại đang ở mức thấp nhất trong 40 năm qua nên tình hình nhiễm mặn dự báo sẽ còn tiếp diễn gay gắt hơn.
Thiếu nước sinh hoạt vì xâm nhập mặn tại Đà Nẵng
Trước đó, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng Dawaco đã đắp đập tạm đầu tiên dài 180 m nhằm hạn chế xâm nhập mặn vào cửa thu Nhà máy Cầu Đỏ - nguồn nước sinh hoạt chính cho người dân Đà Nẵng. Tuy vậy, tình hình xâm nhập mặn vẫn khá gay gắt, đặc biệt là từ đầu tháng 2. Độ mặn lớn nhất đạt giá trị 6.863 mg/l vào ngày 10-3, vượt đỉnh mặn của năm 2019 là 5.109 mg/l. Cá biệt có những thời điểm độ mặn duy trì với giá trị lớn hơn 1.000 mg/l liên tục trên 24 giờ. Đến tháng 3, TP Đà Nẵng tiếp tục tổ chức triển khai thi công tuyến đập tạm số 2 nhằm tăng khả năng ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.
Trong khi đó tại Quảng Trị, nắng nóng kéo dài đang ảnh hưởng đến sản xuất vụ Hè Thu ở đây. Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều giải pháp chống hạn đang được địa phương này triển khai như tiến hành nạo vét bể hút tại các trạm bơm để khơi thông dòng chảy. Các hợp tác xã be bờ đắp đập, huy động máy móc để nước vào đến đâu thì làm đến đó. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng sẽ chuyển đổi khoảng gần 700ha không trồng lúa sang trồng các loại cây khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!