Quy định của pháp luật về thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là tương đối rõ ràng nhưng từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo về những thất thoát tài sản của nhà nước khi triển khai, nhất là trong việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, mà chủ yếu là đất, tài sản trên đất và thương hiệu.
Nhiều năm qua, tại Hà Nội và TP.HCM liên tục diễn ra các cuộc thâu tóm đất tại vị trí đắc địa thông qua con đường nắm quyền cổ đông chiến lược. Đây cũng là những lo ngại khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, một trong những vấn đề được dư luận nói nhiều trong những ngày qua.
Tuy đẩy mạnh cổ phần hóa là một chủ trương lớn nhưng Chính phủ cũng nhiều lần khẳng định: Không vì nóng vội mà bán vốn doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước.
Những ngày qua, dư luận xã hội đang bàn luận nhiều đến sự thiếu minh bạch trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), khiến một thương hiệu lớn của nền điện ảnh nước nhà đang có nguy cơ biến mất. Các nghệ sĩ - những người đã có nhiều năm gắn bó với hãng phim này - lại càng băn khoăn hơn khi cho rằng mục đích chính của nhà đầu tư chiến lược là nhằm vào quỹ đất có giá thị trường hàng nghìn tỷ đồng của hãng phim, chứ không phải để vực lại thương hiệu vang bóng một thời.
Đã hàng chục năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam, ông Sơn rất mong hãng phim sớm được cổ phần hóa để có cơ hội phục hồi và lấy lại uy tín lâu đời của đơn vị nhưng cũng như các đồng nghiệp khác, ông lại biết rất ít thông tin về quá trình cổ phần hóa này.
Quy trình cổ phần hóa được hoàn thiện chớp nhoáng này chỉ duy nhất có một cổ đông chiến lược tham gia nhưng nhà đầu tư chiếm tới 65% cổ phần này lại là doanh nghiệp kinh doanh thuần túy, không liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Trải qua hơn 60 năm, đã có hàng trăm tác phẩm đi vào lịch sử điện ảnh, rất nhiều trong số đó giành giải thưởng danh giá quốc tế. Đã từng có một thời, được làm việc ở Hãng phim truyện Việt Nam là cả một niềm tự hào của nhiều nghệ sĩ. Thế nhưng, đến giờ, cũng chính những nghệ sĩ này phải chua xót khi nhìn thương hiệu ấy chỉ được định giá 0 đồng, hiểu nôm na là "không đáng đồng nào" khi cổ phần hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!