Chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, đó là một trong những nội dung quan trọng về dân số trong tình hình mới mà Hội nghị Trung ương lần thứ sáu bàn bạc và thảo luận. Một trong những vấn đề của dân số và phát triển mà nước ta đang phải đối diện là thách thức già hóa dân số.
Sẽ có rất nhiều việc phải làm khi dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh bậc nhất thế giới và khoảng 30 năm nữa, Việt Nam sẽ có dân số "siêu già", mức độ khi số người già chiếm tới ¼ dân số. Những người trung niên hiện nay, tương lai gần sẽ là người cao tuổi và cần tham gia vào lực lượng lao động để giảm gánh nặng cho xã hội và bổ sung cho tình trạng thiếu hụt nhân lực. Vậy Việt Nam nên tạo dựng hệ thống chính sách như thế nào để xây dựng một hệ thống cung ứng việc làm chuyên nghiệp cho người cao tuổi trong tương lai.
Theo điều tra lao động và việc làm của Tổng cục thống kê, tỷ lệ người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động đang có xu hướng tăng:
- Năm 2012: 7,3%
- Năm 2015: 8,4%
Theo dự báo, 30 năm nữa, số người cao tuổi ở Việt Nam là khoảng 20 triệu người. Tỷ lệ người cao tuổi mong muốn tiếp tục làm việc sẽ còn tăng cao.
Đối mặt với già hóa dân số, Thái Lan khuyến khích các doanh nghiệp nhận người cao tuổi vào làm việc bằng cách giảm thuế. Còn Nhật Bản, từ 30 năm trước, nước này đã xây dựng một hệ thống giới thiệu việc làm cho người cao tuổi từ cấp thôn xã cho tới thành phố.
Bên cạnh việc chuẩn bị thị trường lao động cho người cao tuổi, cũng cần có những quy định luật pháp chặt chẽ để bảo vệ họ. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, khi người cao tuổi tham gia thị trường lao động, họ chịu nhiều rủi ro từ mức lương không thỏa đáng. Thậm chí, một nền kinh tế ngầm cũng xuất hiện từ việc tuyển dụng mập mờ, kéo theo tâm lý mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng ở lao động lớn tuổi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!