Chi phí bán hàng khiến giá thành cao hơn giá trị thực
Dịp Tết Trung thu đang tới rất gần. Ngay từ đầu tháng 7 Âm lịch, các cửa hàng, ki ốt vỉa hè đã giới thiệu tới khách hàng nhiều sản phẩm bánh Trung thu đa dạng, từ bình dân, truyền thống tới cao cấp, sang trọng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, khi chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Trung thu nhưng theo ghi nhận, sức mua năm nay khá ì ạch so với mọi năm.
Từ hơn một tháng nay, hàng loạt ki ốt bán bánh Trung thu của nhiều thương hiệu nổi tiếng đã mọc lên dọc những tuyến đường chính của Hà Nội như Phạm Hùng, Cầu Giấy, Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh... Thời điểm này năm ngoái, người bán, mua bánh Trung thu đã nhộn nhịp nhưng năm nay, thị trường vẫn trầm lắng. Không ít người bán bánh than trời vì thưa khách, trong khi chi phí thuê mặt bằng và lương nhân viên bán hàng lại tăng cao.
Theo kinh nghiệm từ những năm trước, cộng với dự báo thị trường bánh Trung thu năm nay kém sôi động, nhiều cửa hàng cũng đã tính toán kỹ hơn trong các chi phí. Theo đó, việc chọn mặt bằng với diện tích vừa phải, tránh lãng phí là một trong những tiêu chí quan tâm hàng đầu. Chị Thu Hòa, chủ một cửa hàng bán bánh Trung thu trên đường Phạm Hùng cho biết: ““Nhiều người nghĩ bán bánh Trung thu đợt này sẽ thu được lãi khủng nhưng thực tế, tiền thuê mặt bằng, chiết khấu, thuê người bán… đã ngốn hết. Như những năm trước, người kinh doanh như chúng tôi còn để ra được chút lãi. Nhưng nếu ế ẩm như thời gian vừa qua, chúng tôi rất dễ lỗ nặng”.
Nhiều khách hàng cho biết, năm nay họ không còn chuộng bánh Trung thu của các thương hiệu lớn như trước. Trừ trường hợp đi biếu, làm quà tặng, người tiêu dùng mới phải chi một khoản không nhỏ cho những hộp bánh hạng sang lên tới cả triệu đồng. Nếu không, khách hàng sẽ có sự lựa chọn khác vì bánh Trung thu các hãng không có nhiều sự thay đổi so với mọi năm trong khi giá bán vẫn khá đắt. Chị Thu Hà (Cầu Giấy) cho biết: “Mọi năm, mình vẫn mua bánh Trung thu của các thương hiệu lớn để dùng trong gia đình. Tuy nhiên, mình không có nhiều sự chọn lựa trong khi phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua nên năm nay sẽ quyết định chuyển hướng”.
Dù bước vào đợt cao điểm nhưng lượng khách mua bánh Trung thu vẫn khá thưa thớt
Sức mua đã giảm so với những năm trước đây
Như mọi năm, các doanh nghiệp lớn sản xuất bánh Trung thu đã chi mạnh tay cho hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh. Trên khắp các đường phố Hà Nội có thể bắt gặp vô vàn ki-ốt bán bánh Trung thu được trang trí bắt mắt. Với các điểm bán hàng không cố định, các hãng bánh phải đầu tư ki-ốt, nhà bạt, thuê địa điểm, thuê nhân viên bán hàng. Đặc biệt, chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thường chiếm một tỷ lệ lớn. Đó còn chưa kể tới chi phí hàng mẫu. Tất cả chi phí này đều nằm trong giá thành sản phẩm và tất nhiên người tiêu dùng phải gánh chịu các chi phí đó.
Giá bánh Trung thu 2015 không có nhiều biến động
Cũng như mọi năm, các hãng tiếp tục duy trì và phát triển các dòng bánh có mẫu mã đẹp, hương vị độc đáo và giá cạnh tranh ở sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Ngoài sản phẩm bánh chay, bánh ăn kiêng dành cho người tiểu đường, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trong nước cũng đã có dòng bánh với đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cơ thể và sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều nhân viên bán hàng, thị trường bánh Trung thu năm nay không sôi động như năm ngoái với sức mua khá cầm chừng. “Ki-ốt bán bánh Trung thu đã mở được gần một tháng, tính tới nay, số lượng khách tới mua hàng vẫn ở mức rải rác chứ không đông như mọi năm”, bạn Phương Thảo, nhân viên bán hàng một ki-ốt bánh Trung thu trên đường Cầu Giấy cho biết.
Theo ghi nhận tại một ki-ốt bánh Trung thu của một hãng bánh lớn, giá cả năm nay không có biến động nhiều so với mọi năm. Bánh nướng trọng lượng 150g có giá dao động từ 50 – 65 nghìn đồng/chiếc, bánh dẻo từ 40 – 50 nghìn đồng/chiếc cho những loại truyền thống bình dân. Bánh có trọng lượng lớn hơn (250g) và nhân bánh đặc biệt hơn sẽ có giá từ 80 - 160 nghìn đồng/chiếc. Đặc biệt, hãng cũng giới thiệu riêng những mẫu bánh chuyên dành làm quà biếu với nhiều tên gọi hấp dẫn có giá từ 1 – 3 triệu đồng/hộp 6 bánh.
Nhiều mẫu bánh hạng sang, cao cấp được giới thiệu tới khách hàng với giá từ 1-3 triệu đồng
Quản lý chuỗi ki-ốt của một thương hiệu bánh lớn chia sẻ: “Do giá nguyên vật liệu làm bánh không tăng so với năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng thấp nên giá bán bánh Trung Thu năm nay thấp hơn năm ngoái từ 10-20%. Giá bao bì đóng gói bánh cũng giảm từ 5-10%, nhờ đó giá bánh có mức độ hạ nhiệt”.
Nhiều bà nội trợ cho biết, năm nay, trào lưu làm bánh Trung thu handmade, homemade tại nhà đang thực sự làm mưa làm gió. Với tiêu chí vừa ngon, vừa rẻ, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều người đã tìm cách học và tự làm bánh Trung thu hay đặt bánh tại những cơ sở làm bánh handmade uy tín. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình hình tiêu thụ bánh Trung thu của các thương hiệu lớn chững lại.
“Bánh handmade làm rất đơn giản, chỉ cần 2 buổi học là mình đã có thể tự làm những mẫu bánh phong phú phục vụ gia đình. Vừa đảm bảo vệ sinh lại tiết kiệm chi phí, đây là lựa chọn thay thế cho việc mua bánh trung thu bên ngoài của mình”, chị Thanh Nga (Ba Đình) cho biết.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.