Tổng kết triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Sáng 25/8, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại Trung ương tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36 của Quốc hội.
Theo Bộ Tư pháp, 13 tỉnh, thành đã thực hiện thí điểm Thừa phát lại bao gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long.
Đến nay, 53 văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập, trong đó một nửa được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh, một nửa theo hình thức doanh nghiệp tư nhân. Tính đến ngày 31/7/2015, các văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, đạt tổng doanh thu hơn 119 tỷ đồng.
Thừa phát lại là những Công lại, làm nhiệm vụ tương đương như Chấp hành viên nhưng không hưởng lương ngân sách Nhà nước, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp giống như Văn phòng Công chứng và được tham gia vào một số dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của người dân.
Qua 5 năm thực hiện thí điểm ở các địa phương cho thấy, lực lượng Thừa phát lại có đủ khả năng để thực hiện các hoạt động tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.
Nhiều ý kiến đề xuất nên xây dựng Luật Thừa phát lại để quy định chức danh cụ thể. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng nên sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án Dân sự, quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả trong giảm tải thi hành án dân sự.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.