Không chống lại biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà phải thích ứng hoặc chủ động "sống chung với lũ" là những cụm từ đã được nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các phiên thảo luận trước Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước biến đổi khí hậu giữa các Bộ, ngành diễn ra trong ngày 26/9. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, ĐBSCL không còn nhiều thời gian để chạy theo số lượng trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, người đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp vùng ĐBSCL, thẳng thắn thừa nhận, tình trạng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề cho khu vực này trong thời gian qua cũng chính là do việc chạy theo số lượng, manh mún, thiếu tính quy hoạch, liên kết giữa các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, tại vùng ĐBSCL ở khu vực nào dù nước mặn hay nước ngọt đều lấy cây lúa là chính.
Tại các phiên thảo luận, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, quy hoạch vùng ĐBSCL đã quá lạc hậu, lỗi thời. Dù nước ta đã vượt xa mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, các chính sách, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đã không theo kịp thực tiễn cuộc sống.
Biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu tại ĐBSCL. Những dự báo về sự nhấn chìm vùng đất do nước bị hút lên, mất kiểm soát hay hạn mặn sẽ xâm nhập sâu vào cả 13 tỉnh thành ĐBSCL trong thời gian tới không khỏi khiến nhiều người lo sợ. Trong sự tác động này, người nông dân vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!