Hôm nay (10/11), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về hai dự thảo luật có ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới đó là dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là các dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy và theo kế hoạch sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp thứ tám này.
Trước khi Quốc hội tập trung thảo luận vào 4 vấn đề của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), bao gồm ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc ưu đãi đầu tư, đầu tư ra nước ngoài, ban soạn thảo đã giải trình 11 vấn đề, nhiều đại biểu đã đóng góp vào quy định ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện trong dự thảo luật.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký đầu tư, nhận các ưu đãi và không thực hiện, dự thảo luật buộc doanh nghiệp phải ký quỹ đầu tư từ 1-3%, nhưng đại biểu đề nghị chế tài này phải được ghi rõ trong luật.
Chiều nay, thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các ý kiến tập trung vào quy định về doanh nghiệp xã hội và đề cập đến việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp. Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ khái niệm về doanh nghiệp xã hội, quy định chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp để tránh việc trục lợi dưới danh nghĩa là doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội.
Cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về việc doanh nghiệp phải có con dấu riêng, các đại biểu cho rằng việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi có đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật thích hợp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần rà soát lại các quy định trong dự thảo luật để tránh sự xung đột pháp luật giữa các luật chuyên ngành, luật đầu tư với luật doanh nghiệp.