Chiều 11/11, thảo luận tại Đoàn về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, mặc dù nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa, song nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa khác nếu thực hiện theo phương án của Đề án.
Phân tích những bất cập từ thực tiễn các vùng miền, các đại biểu đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng cần phải khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện đảm bảo thực tế của nhà trường; nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như khả năng tiếp thu của học sinh, bao gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung sửa đổi mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng để cơ sở giáo dục vận dụng xây dựng và triển khai thực hiện.
Cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đảm bảo chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung là việc cần thiết, song các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường, tránh trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.