Cách đây gần 1 tuần, Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây để thông báo về việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong phạm vi Hồ Tây để triển khai Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
Như vậy, không như những lần trước là Hà Nội yêu cầu di dời nhà nổi, du thuyền sang bến hoạt động mới ở Đầm Bảy mà lần này là xóa bỏ hoàn toàn. Hiện, TP. Hà Nôi cũng chỉ mới thông báo đang xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu thuyền, phương tiện nổi chứ chưa có địa chỉ cụ thể. Ngoài ra, UBND Thành phố cũng giao quận Tây Hồ xây dựng Kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây và phải hoàn thành trong Quý I/2017.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV News, trong sáng 9/2, thực hiện thông báo của UBND Thành phố, nhiều cơ sở kinh doanh đã tự động tháo dỡ các công trình vi phạm. Việc tháo dỡ được tiến hành khá khẩn trương.
Hình ảnh các hộ kinh doanh tháo dỡ những công trình vi phạm khu vực bến thủy, nhà thuyền Hồ Tây vào sáng nay (9/2):
Được biết, các du thuyền nhà nổi được cấp phép thuê mặt nước trong vòng 30 năm, tính đến nay đã hoạt động được 13-20 năm.
Trong 7 năm qua, để thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề an ninh trật tự, cảnh quan, môi trường mặt nước Hồ Tây, Hà Nội nhiều lần yêu các du thuyền, nhà nổi di dời sang hoạt động ở bến mới nhưng chưa thành công.
Khẩn trương giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây
Ngày 4/2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp về về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp.
Các nhà thuyền đang kinh doanh tại khu vực Hồ Tây
Theo đó, UBND TP yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo gửi UBND TP trong tháng 2/2017 gồm: Quá trình hoạt động, kinh doanh của Doanh nghiệp tại khu vực Hồ Tây; Nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, bao gồm thời gian đóng, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành phương tiện, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao đến thời điểm hiện tại; Hợp đồng lao động, số lượng lao động được doanh nghiệp sử dụng, tiền lương phải trả (có bảng sao, kê kèm theo), những khó khăn, vướng mắc của người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Nguyện vọng của doanh nghiệp đối với Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây của UBND Thành phố, trong đó, có kế hoạch đóng tàu thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế để đề nghị UBND TP xem xét, lựa chọn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!