Theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng lương sẽ là 13,3%. Vấn đề đặt ra là hiện nay, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng rất nhanh từ năm 2012 và tốc độ tăng đã vượt quá mức tăng năng suất lao động.
Doanh nghiệp "gặp khó" nhưng không thể không tăng lương là ý kiến của phía Hiệp hội DN Việt Nam Việt Nam. Đảm bảo quyền lợi của người lao động là ưu tiên hàng đầu, do đó nên tăng còn tăng thế nào thì cân nhắc. Điều rất thú vị là cũng từ Hiệp hội DN Việt Nam nhưng của Hà Nội lại phản bác: "Tăng lương phải đi kèm tăng năng suất lao động và tăng giá bán, mà doanh nghiệp ngày càng phải hạ giá để cạnh tranh, còn muốn tăng năng suất thì tiền đâu ra để đầu tư máy móc công nghệ. Nhà nước nên xem xét chu kỳ tăng lương để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời cạnh tranh".
Phía ủng hộ, phía phản đối là trên tờ Lao động, còn Thời báo kinh doanh kết luận: Doanh nghiệp mà lỗ, người lao động "ra đường". Ví dụ câu chuyện 8.000 nhân viên Vinasun nghỉ việc từ cạnh tranh với Uber và Grab cho thấy, doanh nghiệp mà yếu thì mất việc như chơi chứ nói gì được tăng lương.
Tình hình doanh nghiệp phá sản, "chết lâm sàng" tăng đột biến nửa đầu năm 2017 theo Tổng cục Thống kê là 67.000 DN, tăng hơn 80% cùng kỳ. Người lao động trong những DN này đi đâu về đâu vẫn là dấu hỏi lớn.
Tổ chức lao động quốc tế ILO cho biết, ở Việt Nam có tình trạng trả lương dưới mức lương tối thiểu, đặc biệt là khu vực không chính thức. Một cách nữa để trốn các chi phí liên quan đến thể chế lao động như bảo hiểm là không ký hợp đồng. DN Việt chỉ ký chính thức với 80% lực lượng lao động.
Cái người lao động thực sự cần bây giờ là sự ổn định và cam kết gắn bó của doanh nghiệp. Chỉ khi có sự đồng lòng thì dù có tăng lương hay không, người lao động vẫn sẵn sàng cùng doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Vì suy cho cùng, con người vẫn là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!