Mục tiêu của hội nghị nhằm tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường hoạt động liên kết vùng, hợp tác phát triển khoa học và công nghệ, tạo kênh kết nối, phản hồi thông tin giữa các địa phương trong vùng với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hội nghị tập trung đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong hai năm 2012 – 2014, tình hình triển khai kết luận của hội nghị giao ban lần thứ 22; đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ khi thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ mới, từ đầu năm 2014.
Trong 2 năm qua, từ ngân sách của địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương, 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho sự nghiệp khoa học và công nghệ. Nhờ vậy, hoạt động khoa học và công nghệ đã có những chuyển biến tích cực và đóng góp lớn vào công tác quản lý kinh tế, xã hội, quản lý lãnh thổ và con người, tạo lập cơ sở khoa học để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nổi bật nhất là khoa học và công nghệ đã đưa nhanh các tiến bộ nghiên cứu vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với 43 dự án, đề tài về khoa học nông nghiệp đạt được kết quả nổi bật.
Điểm yếu của toàn vùng hiện nay là có 1.100 cán bộ đang làm công tác khoa học và công nghệ, trong đó chỉ có 7 tiến sĩ, 147 thạc sĩ và hơn 700 kỹ sư. Hội nghị đánh giá nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu rất nhiều, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn sâu. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.