Khu tái định canh, định cư ấp An Phúlà công trình phục vụ cuộc sống những hộ dân đã di dời nhường mặt bằng cho Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Thế nhưng, hàng chục năm qua, đời sống của bà con vẫn còn hết sức khó khăn vì những bất cập trong xây dựng hạ tầng, thủy lợi và bố trí sản xuất.
Nhà dân tại khu tái định canh, định cư An Phú rộng 1080 ha với hơn 2/3 diện tích bố trí nền tái định cư. Nơi này có trung tâm thi đấu thể thao, có nơi sinh hoạt văn hoá, có chợ và nhiều công trình tiền tỷ khác nhưng đa phần đều bị bỏ hoang. Phần lớn nhà dân luôn trong tình trạng cửa đóng then cài và dường như chỉ có trường học là không cùng chung số phận.
‘ Bà con ấp An Phú sản xuất khó khăn vì đất nhiễm phèn nặng (Ảnh: Báo Cà Mau)
Số hộ dân thuộc diện quy hoạch phải di dời ở 3 ấp của xã Khánh An lên đến hàng ngàn. Nhưng đến nay chỉ mới có 103 hộ dân vào ở rải rác trong khu tái định cư. Hầu hết bà con đều sản xuất kém hiệu quả vì đất nhiễm phèn quá nặng.
"Mặc dù khu tái định canh, định cư ấp An Phúđược tách biệt riêng nhưng hệ thống thủy lợi vẫn còn nằm chung, do đó cũng ảnh hưởng đến công tác sản xuất của bà con", ông Ngô Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An giải thích.
Hiện nay, rất nhiều người dân xã Khánh An vẫn đang sống tạm bợ và chấp nhận rủi ro khi canh tác trên vùng đất đã bị giải tỏa. Cái khó và cái khổ của người dân địa phương đã kéo dài hàng chục năm và đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy là sẽ dừng lại. Chẳng mấy người dân nhớ được dự án đã giải phóng mặt bằng bao nhiêu lần, chỉ biết rằng đến tận bây giờ vẫn chưa có sự thỏa đáng và dứt điểm.
Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện U Minh cho rằng, chuyện quản lý khu tái định canh, định cư là của Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh. Còn Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh lại nói: "Chúng ta phải nói cả quá trình chứ không thể tắt ngang hỏi tại sao dân không vào ở?".
Khu tái định canh, định cư An Phú được quy hoạch thành trung tâm của thị trấn công nghiệp Khánh An vào năm 2020. Đến lúc đó, có bao nhiêu người dân địa phương sẽ được hưởng lợi? Có lẽ, những người đã tuân thủ chủ trương quy hoạch để nhường đất cho dự án cũng không mong biết được câu trả lời. Vì lúc này họ đang đối mặt với quá nhiều khó khăn. Không ít người, thậm chí, đã phải bỏ đi xứ khác để mưu sinh.