Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua thị xã Phúc Yên đang là điểm nóng trên toàn tuyến vì bị một số người cản trở. (Ảnh: Thanh niên)
Trong con số 1 triệu lượt đơn thư, số lượng các vụ khiếu nại tố cáo đúng, hoặc có đúng có sai chiếm tỷ lệ gần 50%. Cũng có nghĩa là 10 năm qua, trong lĩnh vực đất đai đã có xấp xỉ gần 500.000 sai phạm của các cấp chính quyền. Thực tế này cho thấy, Luật đất đai 2003 đang tồn tại nhiều bất cập. Vì thế, Dự thảo luật đất đai 2013 vừa được chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cũng đang nhận được những ý kiến trái chiều.
Ngay trên công trường của dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hàng chục hộ dân đã dựng lều để cản trở thi công. Họ là những người dân của xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bị thu hồi đất canh tác với giá đền bù 43 triệu đồng/sào 360m2. Sự bất bình của người dân là bởi họ cảm thấy bị đối xử không công bằng so với các xã xung quanh.
Bà Dương Thị Tươi, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khi được hỏi đã bày tỏ sự bức xúc: “Bên kia được đền bù 260 triệu đồng, bên này là 43 triệu đồng, trên này là 74 triệu đồng. Lý do có thế thôi. Bình Duyên, rồi Tiền Châu, rồi một số địa phương xung quanh là 74 triệu đồng, thế mà dân chúng tôi ở đây có 43 triệu đồng thì các anh thử xem xem, như vậy liệu có công bằng không?”.
Ba xã liền kề nhưng lại có tới 3 mức giá đến bù đất khác biệt cho cùng một dự án. UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định như vậy là không có gì bất thường. Người dân ở xã Nam Viêm được đền bù vào năm 2008 theo Nghị định 84, còn người dân ở các xã xung quanh được đền bù sau đó một năm và giá đền bù đất được tính theo Nghị định 69. Hơn nữa, giá đền bù cho người dân ở xã Nam Viêm chỉ bằng khoảng 1/5 xã Tân Dân vì Tân Dân thuộc địa bàn Hà Nội, còn Nam Viêm thuộc Vĩnh Phúc và pháp luật cho phép mỗi địa phương tự định mức giá đền bù.
Ông Lê Văn Lãng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Luật đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành luật cho phép các địa phương tùy vào tình hình thực tế của mình để đưa ra mức giá đền bù với từng loại đất, từng diện tích đất, phù hợp với khả năng của địa phương và các chính sách của địa phương đối với đất đai. Chính vì vậy giá đền bù của các địa phương không giống nhau thì không phải là mâu thuẫn mà là pháp luật cho phép”.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, 70% lượng khiếu kiện trên cả nước tập trung vào lĩnh vực đất đai là do đất bị đền bù quá thấp so với giá thị trường và người dân cảm thấy bị thiệt thòi. Vì vậy, giá đền bù đất cần được hoạch định bởi những tổ chức thị trường, độc lập để tiệm cận tối đa với giá thị trường. Nếu Nhà nước vừa thu hồi đất vừa định giá đền bù thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.
“Ở đây cần phải có những thiết chế khác bổ trợ cho việc này để đi đến một giải pháp công bằng nhất thì lúc đó sẽ hạn chế bớt được khiếu kiện. Nếu không có những giải pháp khác, những công cụ khác thì lúc đó vấn đề sẽ vô cùng phức tạp”, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói.
Cơ chế thỏa thuận và khung giá đền bù cũng chính là những vấn đề nóng nhất tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Luật đất đai sửa đổi. Khái niệm “sát với giá thị trường” trong đền bù thu hồi đất trong Luật đất đai 2003 chuyển thành “phù hợp với giá thị trường” trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi được các chuyên gia cho rằng vẫn chưa minh bạch, không đảm bảo tính thống nhất và khó áp dụng trong thực tế.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nêu ý kiến: “Thí dụ như đất nông nghiệp thì rõ ràng không có giá thị trường, cho nên áp dụng cái này để định giá đất nông nghiệp thì bất cập, mãi mãi không khả thi”.
Một quan điểm nhận được nhiều đồng thuận, đó là việc thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân sẽ chỉ được công nhận khi ý kiến đồng thuận của người dân đạt từ 80% trở lên. Nhưng ngay cả khi những người dân còn lại không chấp nhận giá đền bù, thì cũng không áp dụng những biện pháp cưỡng chế trực tiếp mà cần đưa ra pháp luật như hình thức khiếu kiện.
Ông Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự cho rằng: “Cưỡng chế phải hiểu theo nghĩa tố tụng dân sự, tức là đã có thỏa thuận, hợp đồng giữa 2 bên đã trở thành luật và nếu không thực hiện thì cưỡng chế theo nghĩa đó. Chứ cưỡng chế không phải đem đại quân đến, không phải đem chính quyền địa phương đến, mà là Tòa án cưỡng chế”.
Thậm chí, không hài lòng với dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đã có đề xuất khá bất ngờ: “Do tầm quan trọng của Luật, tôi đề nghị Quốc hội lập ra và trực tiếp chỉ đạo một Ban soạn thảo khác, gồm các chuyên gia giỏi cả nước trong lĩnh vực đất đai, được tập trung làm việc trong 6 tháng để soạn thảo một Dự thảo mới, kịp thời đưa ra cho mọi người góp ý kiến rộng rãi”.
Yêu cầu của Hội nghị TƯ5 khóa XI nêu rõ: “Phải sửa đổi Luật đất đai năm 2003 một cách toàn diện”. Tuy nhiên tại Hội nghị, các chuyên gia kết luận: Với việc thay đổi câu chữ như “sát với giá thị trường” thành “phù hợp với giá thị trường”, bản dự thảo tỏ ra không có đột phá so với Luật đất đai 2003.