Bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV
Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 29/7, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất - kỳ họp mở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc là những định hướng lớn, là phương châm hành động để Quốc hội khóa XIV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp này, cùng với xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước, nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những thuận lợi cùng với những nguy cơ, thách thức đang phải đối mặt.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở phân tích tình hình đang được cử tri quan tâm, Quốc hội đã quyết định Chương trình hoạt động giám sát năm 2017 với hai chuyên đề: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016".
Bão số 1 gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương
Tính đến 17h ngày 29/7, bão số 1 đã làm 2 người thiệt mạng, nhiều nhà cửa bị ngập và tốc mái. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, lũ đã xuất hiện cục bộ tại Hà Giang, Tuyên Quang và Hòa Bình. Các địa phương đã kịp thời triển khai các phương án di dời bảo vệ người dân và tài sản.
Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến 18h ngày 29/7, bão số 1 đã làm gẫy đổ 2.005 cột điện trung áp, 5.230 cột điện hạ áp tại các địa phương là Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Hải Phòng. Đến 16h ngày 29/7, lưới điện truyền tải và lưới điện 110 Kv đã vận hành ổn định, các hồ chứa thủy điện của EVN vận hành bình thường, không xả lũ. Các trạm bơm tiêu úng còn lại thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đã được cấp điện trở lại. Khu vực Hà Nội và Hải Phòng đã khắc phục hoàn toàn các sự cố lưới điện và cung cấp điện ổn định trở lại cho 100% khách hàng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục khẩn trương khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng tại các tỉnh còn lại trong thời gian sớm nhất.
Thái Bình là địa phương có diện tích lúa bị ngập nặng nhất do cơn bão số 1 gây ra. Cho đến ngày 29/7, vẫn còn hơn 6.400 ha bị ngập nặng trong tổng số hơn 11.000 ha bị ngập. Dù nước đã tiêu được phần nào nhưng vẫn không đáng kể. Lúa vẫn bị nhấn chìm vượt quá 20 phân nước. Hiện chính quyền địa phương và người dân đang quyết tâm cứu cây lúa với phương châm "Năng suất thấp còn hơn mất trắng hay là ruộng để hoang".
Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên tại các địa phương này đã có mưa to đến rất to kéo dài tại nhiều nơi khiến 1 người chết, 2 người mất tích và gây sạt lở nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, cũng như ngập úng nhiều diện tích trồng hoa màu của nhân dân.
Nhiều hoạt động tri ân nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7
* Tối 26/7, tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức "Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ ". Đến dự buổi lễ có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
* Sáng 27/7, tại Hà Nội, Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật " Tri ân đồng đội", tái hiện những khoảnh khắc lịch sử của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Chương trình cũng góp phần khơi gợi truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay, mãi khắc ghi về sự mất mát hy sinh của cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong chương trình, Ban tổ chức đã dành 21 phần quà, sổ tiết kiệm cho 21 cựu chiến binh , gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc.
* Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, các cơ quan bên cạnh sứ quán, Hội người Campuchia gốc Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh vào sáng 27/7. Qua các thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn giúp đỡ đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot, có hơn 20.000 chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh tại Campuchia. Cho đến nay, vẫn còn khoảng 5.000 bộ hài cốt chưa tìm thấy để đưa về Tổ quốc. Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia đã đặt quyết tâm tìm kiếm và hồi hương tất cả hài cốt chiến sĩ còn lại trên đất Campuchia.
Điểm sàn đại học là 15 cho tất cả khối
Sáng 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2016.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng tuyển sinh đại học năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D (không nhân hệ số môn chính, chưa tính điểm ưu tiên ). Mức điểm này bằng với mức điểm năm 2015.
Đại án Ngân hàng Xây dựng: Phạm Công Danh bị nghi ngờ dùng bằng giả
Sau hơn 10 ngày bắt đầu phiên tòa sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB cùng 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng này... ngay trong sáng 29/7, lần đầu tiên bị cáo Phạm Công Danh đã bắt đầu trả lời thẩm vấn tại phiên tòa.
Việc Phạm Công Danh có thể đã sử dụng bằng đại học giả để hoàn thiện hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép bị cáo giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNCB là một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong phiên tòa sáng 29/7.
Trước câu trả lời chưa rõ ràng của Phạm Công Danh về trình độ học vấn của bị cáo, chủ tọa phiên tòa đã công bố những hồ sơ tài liệu thu thập được về vấn đề này.
Theo đó mặc dù có tồn tại tấm bằng cử nhân Quản trị Kinh doanh của Phạm Công Danh, tuy nhiên qua xác minh với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lại không có sinh viên nào tên Phạm Công Danh. Do vậy, chủ tọa đã đề nghị Viện Kiểm sát xem xét xử lý Phạm Công Danh về việc sử dụng bằng giả.
Chính thức đóng cửa Bến xe Lương Yên, Hà Nội
Ngày 26/7 là thời hạn cuối cùng đóng cửa Bến xe Lương Yên, Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã chính thức thông báo kế hoạch di dời, điều chuyển xe khách khỏi bến xe này. Theo đó, về Bến xe Gia Lâm có 13 nhà xe với 133 lượt chuyến/ngày; về Bến xe Nước Ngầm có 34 doanh nghiệp với 162 lượt chuyến/ngày và về Bến xe Yên Nghĩa là 8 đơn vị vận tải với 51 lượt chuyến/ngày.
Toàn bộ số xe tuyến đi Hải Phòng được phân bổ ra 3 bến xe trên của Hà Nội, sẽ phần nào hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vốn đã tồn tại từ lâu trên tuyến.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!