Căn nhà cổ cao 2 tầng tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đổ sập. (Ảnh: VTV News)
Bế mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau 2 tuần làm việc, chiều 25/9, phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, cho ý kiến vào Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhất trí trình ra kỳ họp thứ 10 tới dự luật này.
Cũng trong phiên họp này, cho ý kiến về Dự án Luật về Hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí Dự án Luật về Hội không quy định đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi đây là các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt, được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động. Tuy nhiên, về quy định "Hội có tư cách pháp nhân", vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Cũng trong phiên họp này, cho ý kiến về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao với việc bổ sung quy định lễ chào cờ trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi bế mạc kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phải hát Quốc ca.
Công bố đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025
Sáng 25/9, Hội nghị phổ biến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được diễn ra. Tại hội nghị, Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu các cơ quan chủ quản gửi phương án sắp xếp lại cơ quan báo chí trước ngày 20/10 để Bộ trình Chính phủ.
Theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân sẽ thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Đề án cũng đưa ra chủ trương sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo hướng mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ có một cơ quan báo in, một cơ quan tạp chí; mỗi tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có một cơ quan báo in, một cơ quan tạp chí và một Đài phát thanh, truyền hình. Các Sở, ngành không có cơ quan báo in. Các kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh truyền hình Công an nhân dân, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, kênh truyền hình Quốc hội, kênh truyền hình Nhân dân không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt.
Đến năm 2020, các Đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Đề án này sẽ được thực hiện thí điểm trước năm 2017 và thực hiện theo lộ trình và bước đi cụ thể để đến năm 2020 cơ bản sẽ hoàn thành việc sắp xếp.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cho hay, sẽ không để gây ra những xáo trộn lớn trong quá trình sắp xếp.
Chính thức thành lập Sở Du lịch Hà Nội
Sáng 21/9, UBND thành phố Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Sở Du lịch Hà Nội. Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội được thành lập trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Ngoài chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch còn có nhiệm vụ thực hiện các giải pháp để bảo vệ, tôn tạo, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch, môi trường du lịch, khu du lịch, điểm du lịch tại Hà Nội.
Đối với những chương trình xúc tiến du lịch, tổ chức sự kiện, hội chợ triển lãm... đã được phê duyệt, Sở Du lịch còn phụ trách xây dựng kế hoạch. Bên cạnh đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để có biện pháp phòng chống, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật về du lịch.
51 tỉnh, thành xuất hiện bệnh nhân sốt xuất huyết
Đến nay, cả nước ghi nhận trên 36.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 51 tỉnh, thành phố và đã có 23 trường hợp tử vong. Ba tỉnh trọng điểm hiện nay về sốt xuất huyết là Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Với chu kỳ bùng phát của dịch bệnh khoảng 4 - 5 năm/lần và trước xu hướng gia tăng số ca mắc của các quốc gia trong khu vực, Bộ Y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2015 có nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh môi trường, thường xuyên ngủ màn; tại các vùng dịch nên mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, khi sốt cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà.
Sập biệt thự cổ Hà Nội, 2 người tử vong, 6 người bị thương
Vào 12h45 ngày 22/9, căn nhà cổ cao 2 tầng tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bỗng dưng đổ sập. Đến khoảng 14h cùng ngày, lực lượng chức năng đã đưa được 15 người ra bên ngoài, trong đó có 1 nạn nhân tử vong.
Tính tới thời điểm 18h cùng ngày, nạn nhân cuối cùng đã được cứu và đưa tới bệnh viện nhưng đã tử vong, nâng con số người tử vong lên 2 người. Ngoài ra, 6 người khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai với những chấn thương nặng như: đa chấn thương, chấn thương sọ não, gãy xương chậu hay mất ý thức.
Hiện, nguyên nhân gây ra sự cố này đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.