Mắm tôm từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều người khi trở thành thứ gia vị phổ biến, sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Thế nhưng, nếu là người ưa chuộng món gia vị này, bạn không nên bỏ qua chương trình Nói không với thực phẩm bẩn ngày 24/8.
Dòi bọ và nhiều loại côn trùng khác không biết đã chết từ bao giờ đang phân hủy trong bể ủ của một cơ sở sản xuất mắm tôm ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở bể ủ mắm bên cạnh. Dù sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh như vậy nhưng chủ cơ sở này vẫn khẳng định là không có vấn đề gì.
Hình ảnh dòi bọ, côn trùng phân hủy trong bể ủ của một cơ sở sản xuất mắm tôm ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa
Kết thúc quá trình ngâm ủ ở các bể xi măng, mắm tôm được chuyển qua các thùng nhựa để đóng chai. Hàng chục thùng nhựa được dự trữ sẵn, đảm bảo cung cấp hàng liên tục ra thị trường. Ở khu vực sang chiết, thường xuyên gần 10 người làm việc hết công suất. Mắm tôm ở bồn chứa lớn được chiết trực tiếp vào các chai lọ, khó có thể đảm bảo sự an toàn khi chai lọ được để ngay trên nền đất. Thậm chí, để tiết kiệm chi phí, nhiều vỏ chai còn được chủ cơ sở thu mua từ các chai phế liệu, bóc bỏ tem nhãn và tận dụng lại.
Trong bản công bố chất lượng mắm tôm, chủ cơ sở khẳng định tuyệt đối không sử dụng phụ gia, chất bảo quản nào trong nguyên liệu. Thế nhưng, trên thực tế lại hoàn toàn khác. Theo tiết lộ của công nhân làm việc ở đây, để chống hôi thối, giúp mắm tôm bảo quản được lâu, cơ sở này bỏ thêm 3 loại phụ gia trong quá trình sản xuất. Những loại phụ gia này được bà chủ nhập từ một công ty ở Hà Nội được thường xuyên sử dụng ở các mẻ mắm tôm ra lò.
Việc cơ sở này dùng nhưng công bố không sử dụng phụ gia bảo quản là hành vi gian dối, đánh lừa người tiêu dùng. Hơn nữa, các chất bảo quản như Benzoat hay chất tạo màu đỏ chỉ được dùng với hàm lượng rất nhỏ, nếu vượt quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc cấp tính như tiêu chảy, nôn, còn lâu dài tiềm ẩn nguy cơ ung thư.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!