Nói về vai trò Học viện Hành chính Quốc gia đối với hệ thống quản lý nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đề cập đến tầm quan trọng của Học viện mà nhấn mạnh vào thực trạng của hệ thống hành chính nhà nước hiện nay. Nếu tính từ cấp huyện trở lên cả nước có 600.000 công chức và trên 253.000 cán bộ cấp xã, cùng với 2,4 triệu viên chức.
Mặc dù số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông nhưng phần lớn là không chuyên do đa phần là kỹ sư chuyên ngành, cử nhân các loại, ít hiểu, hay chưa hiểu hết về hành chính, bộ máy và thể chế hành chính. Đó là chưa kể đội ngũ này cứ 5 năm lại có thay đổi lớn sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Vì vậy, chưa nói đến việc quản lý một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả mà ngay văn bản hành chính thế nào cho đúng còn là vấn đề rất lớn.
Thủ tướng cho rằng để khắc phục được vấn đề này phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, trong đó mỗi cán bộ, công chức hành chính phải biết tiếp xúc, phục vụ nhân dân có nghiệp vụ, có phong cách và theo quy trình. Đó là chưa kể đến Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra một nền hành chính số.
Thủ tướng nhấn mạnh, để đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, trước hết đội ngũ cán bộ công, chức viên chức hành chính phải có tinh thần kiến tạo, liêm chính và trách nhiệm. Do đó, Học viện Hành chính Quốc gia phải phổ cập được một nền hành chính đạt mức độ trong sạch như một số nước đã làm, không phải là một nền hành chính đi lòng vòng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Học viện Hành chính Quốc gia phải đổi mới mô hình, cơ cấu, tổ chức phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính công, chính sách công và quản trị công trong sạch, không tham nhũng, lãng phí; nhất là chương trình bồi dưỡng đào tạo phải gắn kết với nhu cầu thực tiễn, không thể có tình trạng "đào tạo ở trên mây và thực tiễn ở dưới đất". Để thực hiện được các nhiệm vụ này, Thủ tướng khẳng định, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ không còn bị chia tách hay sáp nhập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tăng cường sử dụng và giao nhiệm vụ cho Học viện Hành chính Quốc gia tham gia các đề tài của Chính phủ, Thủ tướng và một số Bộ có liên quan về cải cách hành chính để Thủ tướng và các Bộ trưởng nhận được các đề tài nghiên cứu khoa học hành chính, đổi mới sáng tạo của Học viện chứ không chỉ có giáo trình hàng ngày lên lớp.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế thu hút trí thức ở nước ngoài tham gia giảng dạy trong các lĩnh vực chính sách công, quản trị công, hành chính công tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ và Học viện Hành chính Quốc gia ngay sau lễ khai giảng năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Học viện Hành chính Quốc gia cần nghiên cứu, vận dụng một cách phù hợp mô hình của trường Hành chính công Lý Quang Diệu của Singapore.
Từng là học viên của Học viện Hành chính Quốc gia và tham gia các khóa đào tạo tại trường Hành chính công Lý Quang Diệu và Quản lý nhà nước của Đại học Havard, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước buổi làm việc này ông đã nghiên cứu rất kỹ mô hình các trường hành chính. Theo đó, Thủ tướng nhất trí với quan điểm là Học viện Hành chính Quốc gia chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu Học viện Hành chính Quốc gia cần phải có một mô hình phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, đồng thời phải dám ước mơ và có tầm nhìn hướng ra tầm cỡ khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước đây để giữ được hai chữ "quốc gia" trong tên của Học viện đã khó nhưng để Học viện phát triển xứng tầm quốc gia còn khó hơn. Vì vậy, lãnh đạo Học viện phải suy nghĩ, đổi mới để phát triển đóng góp vào công cuộc đổi mới và cải cách ở Việt Nam.
Nhất trí với việc Bộ Nội vụ đã giảm từ 6 đơn vị đào tạo xuống còn 2 đơn vị là Học viện Hành chính Quốc gia và trường Đại học Nội vụ Hà Nội, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Học viện phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và phải làm gương về cải cách bên trong, nhất là giảm số đơn vị đầu mối và phân hiệu ở các miền bởi nếu Học viện Hành chính Quốc gia có bộ máy cồng kềnh, phân công công việc không khoa học, khó có thể cải cách hành chính.
Có như thế Học viện mới tập trung được nguồn lực vào xây dựng cơ sở vật chất đàng hoàng. Thủ tướng cũng đề nghị Học viện cần phải đoàn kết và tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính, trong đó chú trọng phẩm chất, năng lực cán bộ, công chức hành chính để không còn bị người dân kêu ca, phê bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!