Mặc dù tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều khả quan, song các bộ và địa phương phải hành động quyết liệt, đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Chính phủ và lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước tại phiên họp trực tuyến thường kỳ 6 tháng một lần giữa Chính phủ và các địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ mới đã vượt qua một năm đầu tiên với nhiều tin vui và nhất là nửa chặng đường đầu của năm nay thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Doanh nghiệp và người dân hồ hởi kinh doanh, làm ăn và khởi nghiệp. Đây cũng là do công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả bước đầu. Thủ tướng ví von, như một người đi khám bệnh, các chỉ số về sức khỏe của nền kinh tế hiện đều tốt.
Biểu hiện rõ nhất là tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước quý II đạt 6,17%, đưa tốc độ tăng trưởng nửa năm qua đạt 5,73%. Đây là sự tăng trưởng rất ngoạn mục. Lạm phát ở mức thấp, chỉ tăng 0,2%. Xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tính cả xuất nhập khẩu, nửa năm qua kim ngạch đạt khoảng 200 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài gồm vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng gần 55%, vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%.
Ngoài ra, đã có trên 61.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký mới. Trong khi đó, khách quốc tế tăng trên 30%, đưa Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Thu ngân sách đạt cao và tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Chỉ số chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm. Còn chỉ số nhà quản trị mua hàng đạt hơn 52 điểm, chứng tỏ sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng để cả năm tăng trưởng đạt 6,7% thì từ nay đến cuối năm, Tổng sản phẩm trong nước phải tăng 7,42%. Đây là mục tiêu cao nhưng có cơ sở, căn cứ để đạt được, vì còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng vấn đề đặt ra là phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Bởi tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao.
Thủ tướng cho rằng, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính, do vậy, các địa phương phải đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế, nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt. Một số cơ quan, địa phương, tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.
Với tinh thần đổi mới cách thảo luận, không nêu tình hình của địa phương mình mà phải đề ra các giải pháp tháo gỡ để đạt được mức tăng trưởng 7,42% từ nay đến cuối năm, trong ngày hôm nay (3/7), Chính phủ đã nghe ý kiến của lãnh đạo 20 tỉnh, thành, sau đó các Bộ trưởng trả lời và giải thích nhiều kiến nghị của các địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ hiện đang tập hợp kiến nghị của các địa phương để nếu cần thiết thì sẽ kiến nghị sửa Luật đầu tư công và các Nghị định liên quan. Cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính đều cảnh báo về tình trạng ngân sách eo hẹp do vậy, các địa phương cần phải hết sức tiết kiệm chi và sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả.
Theo kiến nghị của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cam kết của Chính phủ sẽ điều tra, xét xử nghiêm minh ở phạm vi quốc gia những vụ phá rừng, nhằm không để mất niềm tin của người dân. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an điều tra làm rõ vụ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân bị kém chất lượng, để vừa làm rõ đúng sai, vừa giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân.
Về kiến nghị chống khai thác cát trái phép, Thủ tướng khẳng định chủ trương của Chính phủ trong việc chống khai thác cát trái phép, chứ không cấm khai thác cát theo đúng quy hoạch. Đồng thời giao Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì một cuộc họp với các bộ ngành liên quan để có giải pháp vừa chống khai thác cát trái phép vừa đảm bảo đủ cát cho xây dựng và san nền. Vào 19h hôm nay (3/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận phiên họp.
Trong phiên họp Chính phủ với các địa phương vào chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế sau 15 ngày nữa phải công bố chỉ số tồn dư hóa chất trong các loài hải sản tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung, sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, hải sản ở tầng trung và tầng nước mặt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã an toàn. Hiện thế giới không quy định về ngưỡng các hóa chất tồn dư trong hải sản, do vậy, Bộ Y tế đã lấy mẫu hải sản tầng đáy ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu để đối chứng.
Kết quả cho thấy, các mẫu hải sản tầng đáy ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung đều giống các mẫu đối chứng, chỉ có 1 trong 4 mẫu hải sản tầng đáy ở vùng biển huyện Kỳ Anh, của tỉnh Hà Tĩnh có chất phenol cao hơn một chút và không tìm thấy cadimi hay xianua. Nguyên nhân có thể là vùng biển này nằm gần với họng xả thải của Formosa Hà Tĩnh. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu một lẫn nữa để kiểm tra và sau đó sẽ họp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam trước khi công bố chính thức sau nửa tháng nữa theo yêu cầu của Thủ tướng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!