Nhắc đến một trong những nét đẹp riêng biệt của miền núi phía Bắc, nhiều người sẽ rất ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang long lanh dịp đổ nước hay rực rỡ mùa lúa chín. Có thể nói, thiên nhiên kết hợp cùng bàn tay con người đã tạo nên khung cảnh đủ làm say đắm lòng người. Chính nhờ loại hình canh tác đặc biệt này mà bà con dân tộc miền núi cũng đã thoát nghèo khi có thể vừa kết hợp định cư canh tác và làm du lịch.
Từ lâu, ruộng bậc thang tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã nổi danh gần xa nhờ vẻ đẹp nên thơ hữu tình, kiệt tác này chính là sự kết tinh giữa thiên nhiên và sự sáng tạo, cần mẫn của bà con dân tộc H'Mông nơi đây. Từ nhiều năm nay, ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn cũng là điểm đến của những "tay săn ảnh" và khách du lịch.
10 năm trở lại đây, nhờ những bức ảnh về ruộng bậc thang được đăng tải trên truyền thông mà khách du lịch đã tìm đến La Pán Tẩn ngày một đông. Không chỉ làm du lịch, vào tháng 5 vừa qua xã La Pán Tẩn còn mạnh dạn chấp thuận sự có mặt của "dự án triển lãm Mây Pha Lê" do một nhóm nghệ sĩ chủ xướng. Trên diện tích 400m2 ở đỉnh ngọn đồi Mâm Xôi, những "chùm mây" được làm thủ công từ lưới dây mạ kẽm và gắn trang trí hơn 58.000 hạt pha lê, như một sự phá cách, làm mới để tạo thêm sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Dù triển lãm chỉ kéo dài 1 tháng nhưng hiệu ứng "Mây pha lê" đã đem du khách tới với đồi Mâm Xôi đông hơn. Bà con dân tộc H'Mông nơi đây cũng có thêm kế sinh nhai nhờ làm dịch vụ du lịch.
Những thửa ruộng bậc thang nơi đỉnh trời chính là đỉnh cao của vẻ đẹp kết tinh từ văn hóa và lao động của bà con các dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải, nhưng quan trọng hơn đó là sự thay đổi trong cách nghĩ, sự sáng tạo trong cách làm để thoát nghèo, cải thiện đời sống của bà con dân tộc nơi đây.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!