Rừng tự nhiên tiếp tục "chảy máu" bất chấp lệnh đóng cửa của Thủ tướng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 17/09/2017 13:35 GMT+7

VTV.vn - Rừng lại tiếp tục bị tàn phá và thực tế buồn này tiếp tục được rất nhiều tờ báo tuần qua phản ánh.

Hàng chục ha rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, đã mất trắng. Qua vụ phá rừng này, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Với dòng tít ngắn gọn "Rừng bị phá", báo Đại đoàn kết nghi vấn, không thể nói hàng chục ha rừng tự nhiên ở xã An Hưng bị phá trong thời gian từ 1 - 2 tháng mà chính quyền cùng các ban, ngành chức năng huyện An Lão không biết.

Nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng rừng vẫn cứ bị tàn phá? Độc giả có lẽ đã quá quen với cụm từ mà lãnh đạo các địa phương trả lời báo chí đó là "lâm tặc nhiều thủ đoạn, tinh vi, lực lượng mỏng, thiếu kinh phí". Dù muốn hay không, độc giả lại tiếp tục được nghe kiểu giải trình như thế này đối với vụ phá rừng ở An Hưng, An Lão.

Được biết, rừng ở đây được bảo vệ bởi lực lượng kiểm lâm Hoài Nhơn, nếu muốn đưa máy móc vào rừng và ngần ấy gỗ ra khỏi rừng thì phải đi con đường độc đạo qua Trạm tuần tra của lực lượng này.

Hạt trưởng hạt kiểm lâm Hoài Nhơn giải thích, khu vực rừng bị phá thuộc địa bàn huyện An Lão. Kiểm lâm Hoài Nhơn không thông thuộc đường đi nên không xác định được vị trí rừng bị phá. Một một điều đáng lưu ý, vụ phá rừng này không phải để lấy gỗ.

Tờ Lao động cho biết, ở hiện trường cho thấy động cơ phá rừng chủ yếu để trồng rừng nguyên liệu. Cây gỗ bị phát quang, gom lại thành đống trước khi đốt, và ngay lập tức khoảng rừng này đã có hàng chục ha cây keo lai mới xuống giống.

Phá rừng để trồng cây keo để chiếm đất hay để trồng keo? Bởi theo tính toán, người trồng chỉ cần bỏ ra khoảng 20 - 30 triệu đồng đầu tư, sau 5 năm, thu bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/ha. Với lợi nhuận như vậy, dư luận không khỏi băn khoăn, liệu có sự liên quan giữa những cán bộ có trách nhiệm với những đối tượng phá rừng hay không?

Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời cơ quan điều tra nhận định, đây là vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đối tượng cầm đầu không phải là người dân địa phương.

Báo Quân đội nhân dân nêu lên một điểm đáng chú ý, đó là lâm tặc dựng lán trại với đầy đủ vật dụng sinh hoạt, có chó canh giữ, báo động, dựng một rào chắn khá kiên cố, sử dụng dây xích khóa kỹ lưỡng để ngăn chính quyền và kiểm lâm tiếp cận hiện trường. Ngoài ra, để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng và mang cây keo giống vào, các đối tượng ngang nhiên dùng xe cơ giới mở một con đường dài khoảng 500m.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cũng cho rằng không có cá nhân hay hộ gia đình nào có khả năng tàn phá rừng ồ ạt như vậy. Họ giỏi lắm chỉ có thể chặt hạ vài 3 ha, chỉ doanh nghiệp mới huy động nổi xe cơ giới, mở đường, cưa hạ rầm rộ.

Lâm tặc là ai, cho tới thời điểm này, cơ quan điều tra đang làm rõ. Còn với những lời giải thích khác của lực lượng kiểm lâm là do địa hình hiểm trở, không thuộc địa bàn quản lý, câu hỏi được đặt ra, đó là trách nhiệm của họ là gì, có cần phải làm rõ hay không?

Báo Pháp luật Việt Nam nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đó là rừng đang rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc" nên phải xây dựng cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm.

Còn tờ Quân đội nhân dân đi thẳng vào vấn đề. Đó là để xảy ra tình trạng lâm tặc ngang nhiên phá rừng với quy mô lớn như vậy, ngoài sự buông lỏng công tác quản lý của chủ rừng, thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở, nếu không muốn nói là vô cảm, thờ ơ trước sự việc nêu trên.

Cách đây hơn 1 năm, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đóng tất cả rừng tự nhiên, không chuyển đổi 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai.

Thủ tướng chỉ đạo phải đóng cửa rừng, nhưng chính quyền một số địa phương vẫn không đóng, không khóa, hay có khóa nhưng chìa lại lén lút chuyển chìa khóa vào tay lâm tặc. Hệ quả là bất chấp sự cương quyết của Thủ tướng rừng tự nhiên tiếp tục chảy máu. Từ phá rừng phòng hộ tại tỉnh Phú Yên, phá rừng Sơn Động tại Bắc Giang, cho tới phá rừng tại huyện Ea Súp, Đăk Lăk. Và vụ phá rừng tại Bình Định này đã thách thức quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực bảo vệ rừng. Thủ tướng đã yêu cầu điều tra, làm rõ, báo cáo kết quả vụ này trước ngày 30/10.

Vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định: Diện tích rừng bị tàn phá lên tới 60,9 ha Vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định: Diện tích rừng bị tàn phá lên tới 60,9 ha Khởi tố vụ án hình sự phá hơn 44 ha rừng tự nhiên tại Bình Định Khởi tố vụ án hình sự phá hơn 44 ha rừng tự nhiên tại Bình Định Vì sao xảy ra tình trạng ngang nhiên phá rừng? Vì sao xảy ra tình trạng ngang nhiên phá rừng?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước