Ngày 5/12, diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 được tổ chức. Đây là một diễn đàn quan trọng, tập trung các nhà tài trợ cho Việt Nam. Tại diễn đàn này, các đối tác phát triển cũng đặc biệt quan tâm tới cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam, nhằm tạo ra một xung lực mới cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát biểu trước các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế kinh tế, chống tham nhũng và nhiều giải pháp khác nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đảm bảo tự do dân chủ của nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế theo Hiến pháp năm 2013 là động lực và giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Có thể nói, không phải đến giờ này người ta mới nói đến cải cách thể chế kinh tế thị trường. Nó đã được đề cập đến 15 năm qua nhưng có lẽ, phải đến năm nay mới được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Trên thực tế, quyết tâm hoàn thiện thể chế đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng tiến độ dường như quá chậm chạp. Chính điều này khiến sự minh bạch trong đầu tư kinh doanh chưa thực sự như mong muốn, cơ chế xin - cho dường như vẫn tồn tại ở đâu đó.
Vậy tại sao chúng ta phải cải cách thể chế quyết liệt ở thời điểm này? Và khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện là gì? Đây là nội dung được đưa ra trao đổi với vị khách mời của Vấn đề hôm nay ngày 5/12 là ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, một vấn đề quốc tế được nhắc tới trong chương trình này là cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và Mỹ hay cụ thể hơn là cuộc chiến giữa dầu mỏ và dầu khí đá phiến, trong tình hình giá dầu thế giới đang giảm mạnh và Mỹ đang từ nước nhập khẩu dần trở thành quốc gia tự chủ về loại năng lượng quan trọng này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.